Tình hình dịch bệnh đang phức tạp, không chỉ có giá sắt thép, ximăng, giá xăng dầu mà giá thức ăn chăn nuôi, giá gỗ nguyên liệu chưa qua xử lý… cũng tăng theo. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ lạm phát đang tiến gần. Họ cho rằng, cần phải có vai trò điều tiết của nhà nước trong việc điều hành về giá.
Người dân, doanh nghiệp “ngồi trên lửa” vì giá cả tăng
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng nhập khẩu chu kỳ này lại tiếp tục tăng 3USD một thùng so với 15 ngày trước đó, có lúc lên 78USD, khiến các chi phí đi kèm tiếp tục nhích lên. Cùng với giá xăng, các nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất đều tăng mạnh thời gian qua. Trong đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng 15-30%, bao bì tăng 15-20%, giá gỗ nguyên liệu chưa qua xử lý cũng tăng 15-40%. Trên thị trường thế giới, giá phế liệu và quặng sắt đã tăng hơn gấp đôi trong 6 tháng qua.
Qua tìm hiểu thì nhiều chủ một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tâm sự rằng, 2 tháng nay hầu như doanh nghiệp không có lợi nhuận vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đó, giá sản phẩm bán ra phải giữ ổn định để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi.
Thực tế, nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi như bắp, bã đậu, đậu tương... nhập khẩu tăng 15-40%. Do đó, giá thành nuôi một kilôgam lợn hơi lên tới 60.000 đồng, tăng 20.000 đồng so với trước đó.
Đều làm công ăn lương, thu nhập của hai vợ chồng không tăng, thậm chí giảm vì ảnh hưởng dịch, nhưng các khoản chi phí thiết yếu gần đây không ngừng tăng khiến chị Phạm Thị Thu Hằng (31 tuổi, ở Hoàng Mai) đứng ngồi không yên.
Chị Hằng cho biết, hiện tiền chợ hằng ngày cho 3 người ăn trong gia đình mất khoảng 120.000-200.000 đồng, tăng hơn 50.000-100.000 đồng so với trước.
“Ra chợ mua bó rau, con cá đều thấy giá nhích lên hằng ngày khiến tôi không khỏi sốt ruột” - chị nói.
Chi phí ăn uống tăng 50% so với hồi đầu năm, gia đình chị Hằng mỗi tháng thay vì chi 3 triệu đồng cho bữa tối của 3 người, nay cũng phải tốn thêm hơn 1 triệu đồng mới đủ. Bởi ngoài việc giá thịt, cá, gạo tăng thì gas, dầu, mắm... cũng đi lên vài nghìn đến vài chục nghìn tùy loại.
Bà Hạnh - chủ cửa hàng tạp hóa (ở chợ Trung Kính, Cầu Giấy, HN) - thừa nhận, giá thực phẩm hiện nay tăng khá mạnh. Đường trước đây chỉ 14.000-15.000 đồng/kg, nay tăng lên 19.000-20.000 đồng/kg. Còn nhiều mặt hàng khô cũng tăng thêm 5-10% so với trước.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, họ đã và đang làm việc với các đầu mối cung ứng, yêu cầu đơn vị cung cấp đảm bảo về nguồn cung hàng hoá để tránh tăng đột biến. Đồng thời, cơ quan này đang lên phương án phối hợp với các bộ, ngành liên quan (nông nghiệp, hải quan...) làm tốt khâu lưu thông, không để ngưng trệ, tắc nghẽn vận chuyển hàng, nguyên liệu sản xuất giữa các địa phương, khu vực có dịch.
Lo ngại lạm phát là có cơ sở
Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiêu cứu giá cả (Bộ Tài chính) - cũng cảnh báo rằng, nếu theo thống kê, trong những tháng đầu năm về giá cả đầu vào thì không có gì lo ngại nhưng từ đầu tháng 4 trở lại đây, giá cả bắt đầu có dấu hiệu tăng nên cần phải chú ý.
Theo ông Long, việc tăng cao này không phải do mình đẩy lên cao mà do thị trường. Cùng với đó thì chính sách nới lỏng tiền tệ hay như dịch bệnh COVID-19, nên có thể gây ra lạm phát.
“Trước việc này, cần phải có những chính sách cụ thể đặc biệt phía Chính phủ phải đưa ra chính sách tiền tệ, tài chính ra sao, đối với thương mại thì như thế nào…” - ông Long nói và cho biết thêm, lúc nào giá cả tăng cao bất thường thì nhà nước phải có vai trò điều phối.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bàn chuyện liệu có hay không có lạm phát cần phải phân tích kỹ ở nhiều góc độ.
Cụ thể, theo ông Thịnh hiện nay có một số xung lực tác động đến giá cả thị trường. Thứ nhất là xung lực làm giá giảm: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến cả tâm lý và thu nhập của người dân, khiến sức mua giảm, dẫn đến giảm giá trên nhiều tuyến hàng.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng để từng bước khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 gây ra với nền kinh tế, mục đích chính là hỗ trợ doanh nghiệp, trong suốt thời gian qua, lượng tiền chảy ra nhiều. Đây cũng là một loại xung lực đẩy giá cả tăng cao.
Như vậy, theo ông Thịnh, lạm phát xảy ra khi việc tăng giá diễn ra trên tất cả các thị trường hàng hóa, dịch vụ... Thực tế, nhìn qua đời sống, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng nhưng chỉ mang tính cục bộ. Cùng với đó, do sức mua chưa hồi phục nên mức độ tăng đang tạm thời được kìm hãm. Tuy xảy ra cục bộ nhưng tích lũy dần, khi xảy ra ở tất cả các nơi sẽ dẫn tới lạm phát.
“Nguy cơ lạm phát cao là có nhưng diễn ra ở mức độ nào còn phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu và trong nước. Nhưng khả năng lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ cao hơn năm vừa qua do nhu cầu dịch vụ, du lịch và nhiều sản phẩm tăng giá mạnh từ đầu tháng 4 trở đi cũng như chi phí giáo dục năm nay cũng sẽ tăng” - ông Thịnh nói.
Xem thêm: odl.097219-oac-gnat-gnud-ueit-gnah-tam-ueihn-aig-ihk-taos-meik-nac/et-hnik/nv.gnodoal