Hoạt động đầu tư FDI thời gian gần đây bộc lộ hàng loạt rủi ro như tình trạng chuyển giá, đầu tư chui hay đầu tư núp bóng, đặc biệt trong ngành gỗ và nếu tình trạng không được kiểm soát chặt sẽ có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho toàn ngành này trong tương lai.
Hậu quả nghiêm trọng từ đầu tư chui
Trong báo cáo mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và Tổ chức Forest Trends cho biết, xuất khẩu của các doanh nghiệp gỗ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2020 tiếp tục thể hiện tính vượt trội so với khối các doanh nghiệp nội địa. Khối này có 653 doanh nghiệp FDI trực tiếp tham gia xuất khẩu, chiếm 18% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu, với kim ngạch đạt 6 tỉ USD, chiếm 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả ngành. So sánh với con số 2.676 doanh nghiệp và 5,9 tỉ USD về kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội địa cho thấy các doanh nghiệp FDI hiện vượt xa doanh nghiệp nội địa về quy mô xuất khẩu. Sự vượt trội này có thể là do sự khác biệt về quy mô sản xuất, trình độ công nghệ và quản lý, quy mô vốn đầu tư, tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp nội địa.
Tuy nhiên theo TS Tô Xuân Phúc (Chuyên gia phân tích của tổ chức Forest Trends), ThS Cao Thị Cẩm (VIFOREST) và ông Trần Lê Huy - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, mặc dù FDI hiện là bộ phận không thể tách rời của ngành gỗ nhưng một số hoạt động đầu tư FDI ẩn chứa rủi ro lớn và điều này đã và đang làm tổn hại tới ngành. Cụ thể trong những năm gần đây, đặc biệt bắt đầu từ thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra, tình trạng “đầu tư chui, đầu tư núp bóng” đã xuất hiện trong ngành. Tình trạng này diễn ra khi một số công ty có nguồn vốn từ Trung Quốc nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam, lấy nhãn mác xuất xứ của Việt Nam sau đó xuất khẩu vào Mỹ. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tránh được các mức thuế mà Chính phủ Mỹ áp dụng đối với các mặt hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc.
Đầu tư chui, đầu tư núp bóng cũng xảy ra dưới hình thức các doanh nghiệp Trung Quốc thuê nhà xưởng, nhân công, người quản lý của Việt Nam, nhập khẩu các bộ phận của đồ gỗ từ Trung Quốc sau đó thực hiện lắp ráp các bộ phận này tại Việt Nam trước khi xuất khẩu đi Mỹ. Nhóm nghiên cứu của Forest Trends và các Hiệp hội gỗ cũng từng đưa ra một số cảnh báo về các khía cạnh đầu tư chui, đầu tư núp bóng của một số doanh nghiệp trong khối FDI, đặc biệt với mặt hàng tủ bếp, ghế sofa, gỗ.
Theo đó nếu tình trạng này không được kiểm soát chặt sẽ có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho toàn ngành trong tương lai. Bởi hiện tại Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất cho ngành gỗ Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này năm 2020 lên tới trên 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong cả nước. Điều này có nghĩa rằng biến động từ thị trường này sẽ có tác động đến toàn ngành, ảnh hưởng đến các mục tiêu mà ngành đặt ra.
Xem xét kỹ yếu tố rủi ro gian lận
Thực tế trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam liên tiếp đưa ra các biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng để giảm thiểu rủi ro. Gần đây nhất, Bộ KHĐT mới đây đề nghị các địa phương kiểm soát chặt chẽ đối với các hành vi chống gian lận xuất xứ đối với các sản phẩm gỗ. Văn bản đề nghị chính quyền các tỉnh thành kiểm tra các dự án đầu tư FDI để giảm rủi ro trong gian lận xuất xứ, ưu tiên lựa chọn các dự án có tính vượt trội về công nghệ, tham vấn với các hiệp hội gỗ về các dự án đầu tư, xem xét kỹ các dự án đầu tư sản xuất các mặt hàng có yếu tố rủi ro gian lận. Thực hiện hiệu quả kêu gọi này đòi hỏi các tỉnh cần có sự quan tâm thích đáng tới các hoạt động đầu tư FDI tại địa phương mình, thiết lập các cơ chế kiểm tra, giám sát, với sự tham gia của các bên liên quan.
Bộ KHĐT trước đó cũng khẳng định sẽ thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, không để ảnh hưởng tới thương mại quốc gia, bảo vệ phù hợp sản xuất và tiêu dùng trong nước. Gần đây nhất, Tổng cục Hải quan cũng khẳng định tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo luật định. Theo kế hoạch, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào 3 thị trường là Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ và có nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo nhóm nghiên cứu của Forest Trends, VIFOREST và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, trong bối cảnh này, phối hợp với hiệp hội quốc gia và các hiệp hội địa phương, các doanh nghiệp nội địa cũng như các doanh nghiệp FDI làm ăn chân chính có vai trò then chốt để thực hiện hiệu quả việc kiểm tra giám sát, nhằm loại bỏ rủi ro về đầu tư chui, đầu tư núp bóng trong đầu tư FDI vào ngành.
Nghiên cứu giải pháp khắc phục đầu tư chui, đầu tư núp bóng
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT), sau một thời gian hoàn thiện, cơ quan này vừa chính thức trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch có đặt ra mục tiêu vốn đăng ký của doanh nghiệp FDI giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 150-200 tỉ USD; Vốn thực hiện trong giai đoạn đạt khoảng 100-150 tỉ USD và tỉ lệ giải ngân vốn FDI đạt khoảng 66,7-75%. Tuy nhiên việc thu hút đầu tư FDI phải gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Dự thảo kế hoạch mà Bộ KHĐT vừa trình lên Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra nhiệm vụ là nghiên cứu đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng". V.N
Xem thêm: odl.187219-idf-ut-uad-or-iur-augn-ed-gnob-pun-aig-neyuhc-nahc/et-hnik/nv.gnodoal