Để xuất vải sang Trung Quốc, thương nhân Bắc Giang sẽ chở hàng đến một điểm giao nhận đã thoả thuận, được lãnh đạo các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai, Lạng Sơn (Việt Nam) đồng ý. Sau đó, thương nhân Trung Quốc sẽ đến điểm giao kết đó, tự lái xe hàng về điểm giao nhận hàng của phía Trung Quốc.
Thông tin với Lao Động chiều 25.5, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, hiện tình hình xuất khẩu quả vải qua cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn rất thuận lợi.
Thương nhân hai nước vẫn trao đổi, giao kết với nhau bằng phương thức giao nhận hàng phù hợp và linh hoạt. Điểm giao nhận xe và hàng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được thống nhất với nhau.
Theo đó, thương nhân Việt Nam sẽ chở hàng đến một điểm giao nhận đã thoả thuận, được lãnh đạo các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và Lào Cai, Lạng Sơn đồng ý. Sau đó, thương nhân Trung Quốc sẽ đến điểm giao kết đó, tự lái xe hàng về điểm giao nhận hàng của phía Trung Quốc.
Sau khi nhận hàng xong, lái xe của Trung Quốc mang xe chở lại điểm giao kết và trả lại cho Việt Nam. Trước khi đưa xe về Lục Ngạn, Tân Yên, xe này được phun khử trùng, khử khuẩn, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Theo ông Tấn, ngày 24.5, thương nhân hai bên đã thực hiện theo phương thức đó, tổng sản lượng tiêu thụ vải ước đạt 3.716 tấn, xuất qua hai cửa khẩu là 1.728 tấn.
"Hiện các cơ quan chức năng hai tỉnh đang tạo điều kiện rất tốt cho thương nhân thu mua vải, không có trục trặc gì. 18h30 mỗi ngày, họ sẽ thông báo cho mình về số lượng hàng thông quan trong ngày", ông Tấn nói.
Theo ông Tấn, quả vải Bắc Giang được xuất đi qua luồng xanh, luồng ưu tiên và được Ban quản lý cửa khẩu cử cán bộ làm trước giờ hành chính, tạo điều kiện làm các thủ tục thông quan trước cho quả vải, khi quả vải xuất khẩu đi hết rồi mới đến các loại hàng hóa khác.
Giá bán vải thiều sớm tại Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc - khu vực tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn) dao động 20 - 25 nhân dân tệ/kg (tương đương 72.000 - 90.000 đồng/kg).
Đối với 190 thương nhân Trung Quốc được Chính phủ đồng ý sang Bắc Giang giám sát, thu mua vải, ông Tấn cho biết hiện họ vẫn chưa sang Việt Nam.
"Vùng vải Bắc Giang không phức tạp về dịch bệnh, toàn bộ F0 hoàn toàn được kiểm soát ở trong các khu cách ly của các khu công nghiệp, bên ngoài không ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chung ở Việt Nam, số thương nhân này cũng đã trao đổi với các doanh nghiệp Việt Nam về việc chưa sang Bắc Giang. Nếu sau này diễn biến tốt lên trong toàn quốc thì sẽ tính sau", ông Tấn thông tin.
"Vải thiều Bắc Giang chất lượng vượt trội"
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến gỡ khó trong vấn đề tiêu thụ nông sản giữa Bộ Công Thương và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang sáng 25.5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - ông Lê Ánh Dương cho biết, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020.
Trong đó, vải chín sớm 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.
"Vải thiều Bắc Giang có chất lượng vượt trội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng trọt, chăm sóc ở “Vùng vải an toàn dịch bệnh”, không bị tác động COVID-19; thị trường trong và ngoài nước có thể yên tâm tin dùng" - ông Dương nói và mong muốn Bộ Công Thương kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức với các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện cho hàng hóa, nông sản Bắc Giang được lưu thông tiêu thụ khi đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh.
Bộ Công Thương làm đầu mối kết nối Bắc Giang với các chi nhánh ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore...