Chợ Bình Hương có tổng mức đầu tư gần 150 tỉ đồng trên diện tích 2,1 ha ở xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh đã hoàn thành đưa vào khai thác khu chợ truyền thống được 2 năm, nhưng sức thu hút thấp, ế ẩm, hiện hàng loạt ki-ốt đang đóng cửa bỏ không.
Hàng loạt ki ốt bỏ không, đóng cửa
Tháng 8.2018, Chủ đầu tư là Hợp tác xã Đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác chợ Bình Hương đã khởi công xây dựng Dự án chợ Bình Hương. Đây là chợ có 3 khu chức năng chính, gồm: Khu ki-ốt kinh doanh các ngành hàng bách hóa và dịch vụ tổng hợp; khu đình chợ truyền thống; khu kinh doanh ngoài trời.
Trong đó gồm 7 khối nhà ki-ốt cao 3 tầng, 6 dãy ki-ốt 2 tầng với 119 ki-ốt; 1 đình chợ bố trí khoảng 144 sạp hàng; khu vực kinh doanh ngoài trời dùng để bố trí cho các hộ kinh doanh không thường xuyên và khu tập kết hàng hóa.
Theo tiến độ cam kết, chợ Bình Hương sẽ hoàn thành và đi hoạt động giai đoạn I vào quý IV/2018; hoàn thành và đưa vào hoạt động toàn bộ dự án vào quý III/2019. Sau 7 tháng khởi công, tháng 4.2019, khu chợ truyền thống Bình Hương được khai trương, đưa vào hoạt động. Thế nhưng, đến nay đã sau 2 năm khai thác, hiện sức thu hút của khu chợ này vẫn rất thấp.
Ghi nhận của phóng viên Lao Động, hiện hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ Bình Hương chủ yếu đang ở khu đình chợ truyền thống với gần 100 tiểu thương kinh doanh, còn nhiều khối nhà ki-ốt đã hoàn thành nhưng đóng cửa, không có tiểu thương thuê. Một số ki-ốt khác đã được thuê nhưng sức bán kém nên tiểu thương đóng cửa, treo bảng bán lại ki-ốt, hoặc cho thuê lại ki-ốt. Ngoài ra, một số dãy ki-ốt khác đang xây dang dở, cỏ mọc um tùm.
Ông Nguyễn Văn Khởi (63 tuổi, ở thôn Hồng Hà, xã Thạch Trung), nhà cạnh chợ Bình Hương chia sẻ “Khu đất làm chợ này trước là đất nông nghiệp của người dân. Để thực hiện dự án, người dân đã bị thu hồi đất sản xuất. Thế nhưng, dự án đầu tư hiệu quả thấp, nhiều dãy ki-ốt bỏ hoang, dang dở như thế này đây”.
Cần có giải pháp tháo gỡ
Ngày 25.5, ông Tạ Minh Đức - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Bình Hương cho biết, đến nay chợ Bình Hương mới chỉ thu hút được khoảng 30% tiểu thương thuê ki-ốt so với số ki-ốt đã đầu tư, xây dựng. Hiệu quả thu hút còn thấp khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi đã thu được tiền cho thuê điểm kinh doanh đâu. Chúng tôi cam kết miễn phí cho bà con 1 năm nhưng đến nay đã 2 năm rồi mà cũng chẳng dám thu gì cả vì thấy việc buôn bán của bà con ở đây đang còn èo uột quá” - ông Đức chia sẻ.
Ông Đức cũng bày tỏ mong muốn chính quyền thành phố Hà Tĩnh có giải pháp quyết liệt dẹp bỏ chợ tự phát để chợ Bình Hương thu hút được tiểu thương về đây kinh doanh, buôn bán. Từ đó, nhà đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện những hạng mục còn lại của dự án.
Ông Trần Quang Hưng - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng UBND TP. Hà Tĩnh cho rằng, chợ Bình Hương thu hút tiểu thương vào kinh doanh còn thấp là do hiện mật độ dân cư nơi đây còn thấp. Thời gian tới, khi một số khu dân cư quanh chợ được đầu tư xây dựng thì dân cư đông lên, chợ sẽ thu hút tốt hơn.
Cũng theo ông Hưng, để đồng hành với doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng chợ Bình Hương vượt qua khó khăn, thành phố Hà Tĩnh sẽ xử lý quyết liệt nạn họp chợ tự phát, buôn bán ở vỉa hè. Còn phía nhà đầu tư chợ Bình Hương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và có các chính sách phù hợp, ưu đãi tốt để thu hút tiểu thương và người dân đến mua, bán.
Xem thêm: odl.931319-mil-mi-ma-e-gnod-it-051-nag-gnouh-hnib-ohc/et-hnik/nv.gnodoal