Một đoạn cao tốc Bắc - Nam đang được giải phóng mặt bằng - Ảnh: NAM TRẦN
Trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 2 triệu tỉ đồng. Nhưng Chính phủ chỉ giao cho các bộ, ngành, địa phương đầu tư khoảng 1,81 triệu tỉ đồng, bằng 90,8% tổng vốn Quốc hội thông qua.
Tăng gần gấp rưỡi giai đoạn 5 năm trước
Giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công khoảng 2,87 triệu tỉ đồng tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (sẽ khai mạc vào tháng 7 tới). Nếu kế hoạch này được Quốc hội thông qua, 5 năm tới vốn đầu tư công sẽ tăng 0,87 triệu tỉ đồng, tức gần gấp rưỡi so với vốn Chính phủ giao 5 năm vừa qua.
Số vốn đầu tư công tăng mạnh nhưng theo Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT), mới chỉ đáp ứng được hơn 70% nhu cầu đầu tư của bộ, ngành trung ương và các địa phương trong những năm tới.
Theo một lãnh đạo Bộ KH-ĐT, đến ngày 19-5 bộ này mới thông báo để các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xây dựng phương án đầu tư khoảng 2,24 triệu tỉ đồng, bao gồm: 835,7 ngàn tỉ đồng vốn ngân sách trung ương, 178,4 ngàn tỉ đồng vốn vay nước ngoài, 1,23 triệu tỉ đồng vốn ngân sách địa phương. Phần vốn còn lại chưa lên kế hoạch đầu tư cụ thể.
Trong đó, có trên 70% tổng vốn đầu tư công trung hạn được ưu tiên đầu tư vào ngành, lĩnh vực quan trọng như hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng. Nhiều chuyên gia nhận định nguồn vốn khổng lồ này sẽ tạo ra cú hích cho phát triển hạ tầng giao thông.
Thực tế, trong giai đoạn 2016 - 2020, với sự đầu tư mạnh mẽ từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn được đầu tư và đưa vào khai thác. Đó là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường Tân Vũ - Lạch Huyện, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, quốc lộ 3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ...
Hàng loạt dự án sẽ được đầu tư
Trong 5 năm tới, theo tính toán của Bộ KH-ĐT, sẽ có hàng loạt dự án giao thông lớn được đầu tư bằng nguồn vốn công. Đó là 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay quốc tế Long Thành (phần giải phóng mặt bằng).
Cụ thể, Chính phủ sẽ "rót" hơn 97,9 ngàn tỉ đồng cho 74 dự án trọng điểm, kết nối vùng, bố trí 8.100 tỉ đồng để hoàn thiện 10 dự án thuộc tuyến đường ven biển đoạn Quảng Ninh - Nghệ An...
Về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, theo Bộ KH-ĐT, sẽ tuân thủ các luật đầu tư công, ngân sách nhà nước, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định của Chính phủ.
Vốn đầu tư công sẽ được đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng cấp quốc gia có ý nghĩa liên vùng, tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy các cực tăng trưởng như Hà Nội, TP.HCM, các vùng kinh tế trọng điểm phát triển nhanh hơn.
Sẽ thúc đẩy tăng trưởng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng việc tăng gấp rưỡi vốn đầu tư công trong 5 năm tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu khu vực FDI chịu ảnh hưởng thì vai trò dẫn dắt tăng trưởng của đầu tư công rất quan trọng.
Năm 2020, cứ giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP cũng tăng thêm 0,06% so với năm trước. Nên việc tăng 0,87 triệu tỉ đồng vốn đầu tư công trong 5 năm tới sẽ tạo ra cú hích cho tăng trưởng GDP, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm.
Cũng theo vị này, trong 10 năm tới thì đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án cao tốc kết nối vùng như các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển kết nối nhiều tỉnh, thành phố, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, hệ thống đường vành đai của Hà Nội, TP.HCM... có ý nghĩa rất lớn. Đây là những tuyến huyết mạch để lưu chuyển hàng hóa, nếu được đầu tư hiện đại sẽ giảm bớt đáng kể chi phí vận tải.
Và để hàng triệu tỉ đồng vốn đầu tư công phát huy tối đa hiệu quả, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần đầu tư tập trung vốn, làm dự án nào dứt điểm dự án đó, sớm đưa dự án vào sử dụng.
Tránh tình trạng đầu tư cùng lúc hàng trăm dự án nhưng cái nào nào cũng dở dang, làm phân tán nguồn lực. Đồng thời cần lưu ý tới năng lực các nhà thầu làm dự án đầu tư công, để không xảy ra những trường hợp như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đầu tư cả chục ngàn tỉ đồng nhưng nhiều năm sau vẫn chưa thể đưa vào khai thác.
Cắt giảm số dự án, đầu tư trọng điểm hơn
Theo dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 vừa được Bộ KH-ĐT trình Chính phủ, sẽ có 2.880 dự án chuyển tiếp, 3.304 dự án khởi công mới trong 5 năm. Con số này giảm hơn một nửa so với số dự án đầu tư công đã được đầu tư giai đoạn 2016-2020.
Để tập trung nguồn lực đầu tư vào các dự án lớn, dự án trọng điểm có tính lan tỏa, Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giảm số lượng dự án đầu tư công 5 năm tới xuống còn 5.000 dự án. Nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương sẽ phải cắt giảm hàng loạt dự án đầu tư mới chưa thực sự cần thiết. Số dự án phải cắt giảm lên tới 1.447 dự án.
870.000 tỉ đồng
Là số vốn đầu tư công trung hạn dự kiến tăng thêm của giai đoạn 2021 - 2025 so với giai đoạn 5 năm trước.
Nguồn: Bộ KH-ĐT
TTO - Tổng vốn đầu tư công 5 năm tới (2021-2025) tăng 120.000 tỉ đồng so với dự kiến trước đó. Tuy nhiên, sẽ cắt giảm mạnh số dự án chưa cấp thiết.
Xem thêm: mth.56654418062501202-gnoud-uac-oav-nov-tor-neit-uu-gnoc-ut-uad-nov-it-ueirt-82-noh/nv.ertiout