Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán SSI cho biết, việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp (AD&AS) đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan bắt đầu cho thấy một số kết quả đối với ngành đường trong nước.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá đường trắng trong nước đã tăng 41% so với đầu năm, cùng với việc đường nhập khẩu giảm 40% so với cùng kỳ trong quý 2.
SSI đánh giá, ngành mía đường đã trải qua nhiều năm thua lỗ sâu do cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan. Trong niên vụ 2020-2021, sản lượng sản xuất trong nước giảm xuống mức thấp kỷ lục là 612 ngàn tấn, giảm 15% so với cùng kỳ, chỉ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước.
Kể từ khi áp thuế, sản lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất là 15 ngàn tấn trong tháng 6 so với mức cao nhất là 183 nghìn tấn trong tháng 4-2020.
Đường nhập lậu đã được kiểm soát chặt chẽ do Việt Nam đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch COVID-19. Tuy nhiên, đường Thái Lan đã lách thuế bằng cách quá cảnh ở các nước ASEAN khác trước khi đến Việt Nam.
VSSA đã nộp hồ sơ đề nghị điều tra lẩn tránh thuế AD&AS đối với đường Thái Lan lên Cục phòng vệ thương mại.
SSI cho rằng, ngành đường Việt Nam đang có nhiều thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thâm hụt đường toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên trong niên vụ 2021-2022, đạt 3,8 triệu tấn so với mức thiếu hụt 3 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021.
Sự thiếu hụt này là do sản lượng sản xuất ở Brazil, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, giảm 5% do thời tiết khô hạn. Sản lượng dự trữ trên toàn cầu đã giảm từ mức đỉnh trong niên vụ 2018-2019 từ 53,1 triệu tấn xuống còn 45,8 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021 và có thể thiếu hụt trong niên vụ tới.
Giá đường có thể được hỗ trợ bởi giá ethanol tăng, điều này khuyến khích các nhà máy sản xuất đường quốc tế chuyển từ sản xuất đường sang sản xuất ethanol, dẫn đến lượng đường tồn kho toàn cầu giảm. Theo BusinessInsider, giá ethanol đã tăng 55% so với đầu năm.