CÁC NHÂN CHỨNG MỚI NÓI GÌ KHI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO CÔNG AN TPHCM?
Báo Công an TPHCM số ra ngày 19/5/2021 thông tin về 4 nhân chứng mới liên quan đến việc gặp, tiếp xúc với Đỗ Văn Minh (SN 1971, cựu bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, H.Lâm Hà - Lâm Đồng) bị kết án tử hình về hành vi sát hại em họ vợ là anh Trần Nho Vương (SN 1995). Sau đó phóng viên Báo Công an TPHCM đã phỏng vấn 2 trong số 4 nhân chứng này, họ nói gì về lời khai của mình?
"Người này lạ lắm, tôi chắc chắn chưa gặp"!
Bốn nhân chứng gồm: ông Trần Tuôi (SN 1948, dân tộc Khơ Me, trú thôn Tân Lịch, xã Tân Hưng, H.Long Phú - Sóc Trăng) là người làm công cho Đỗ Văn Minh, ở tại nhà rẫy của Minh tại xã Đắk Ha, H.Đắk G'Long, Đắk Nông; ông Nguyễn Thành Được (SN 1987), ở tịnh thất nơi Đỗ Văn Minh đã đến và nói chuyện 30 phút; bà Bùi Thị Bình (SN 1953, bác họ của ông Được, ở thôn 6, xã Đắk K'Nia, TX.Gia Nghĩa, Đắk Nông) và bà Lê Thị Thảo, chủ nhà nghỉ ở H.Đắk G'Long.
Trong đó, 3 người xác nhận đã gặp ông Minh vào khoảng 16h ngày 3/5/2020, một người xác nhận ông Minh đến ở nhà nghỉ của họ và ở lại vào khuya 3/5 - thời điểm Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định bị can (BC) Minh gây án.
Ngày 19/5/2021 qua điện thoại, phóng viên liên lạc và được ông Nguyễn Thành Được, ông này cho biết là người xuất gia đi tu tại tịnh thất tư nhân ở thôn 5, xã Đắk Ha. Nơi đây là phần đất của sư huynh (trong đạo) của ông Được lập ra. Tính đến nay ông Được gặp Đỗ Văn Minh 1 lần duy nhất.
PV: Trong đơn, thầy viết rằng ông Minh vào chùa nói chuyện với thầy khoảng 30 phút, vậy ông ấy đã nói gì?
Ông Nguyễn Thành Được: Không đến 30 phút. Ông ấy chỉ hỏi đường ra TX.Gia Nghĩa, hỏi thăm về xuất xứ của tôi, chứ không nói bất cứ điều gì khác. Sau đó ông Minh lên xe đi theo hướng đường đồi để ra TX.Gia Nghĩa.
PV: Thầy thấy thái độ của ông Minh khi đó ra sao? Ông có tâm sự gì không? Có thắp nhang, cúng bái gì không?
Ông Nguyễn Thành Được: Không, tôi thấy ông ấy bình thường, không làm gì khác, chỉ hỏi đường.
Ông Được cũng cho biết, ông không hề biết Minh đang có án tử hình về hành vi giết người. Vì đi tu, ông sử dụng điện thoại loại thường, không đọc báo, coi ti vi về những vấn đề khác ngoài tôn giáo, sóng wifi nơi ông ở yếu nên ông không có thông tin gì về vụ án.
Mới đây, có 2 người phụ nữ giới thiệu là em ông Minh, đưa ảnh của ông Minh và hỏi về việc ông Minh có đến chùa không, nếu có nhờ thầy xác nhận. Nhìn thấy vết sẹo trên trán ông Minh, ông Được nhận ra và xác nhận việc ông Minh có đến 1 lúc, 1 lần duy nhất. "Khi đó tôi có đọc mấy bài báo viết về ông Minh, biết ông ấy liên quan vụ án, nhưng cũng chỉ đọc, biết sơ sơ", ông Được cho hay.
PV: Vì sao thầy khẳng định ông Minh đến chùa vào ngày 3/5. Thầy có chắc chắn ngày này không? Hôm đó có gì đặc biệt để thầy nhớ?
Ông Nguyễn Thành Được: Hôm đó là ngày tôi làm nhà, có đông người, có sư huynh tôi về nên tôi nhớ.
PV: Làm nhà trong nhiều ngày, sao thầy nhớ chính xác ngày 3/5. Sư huynh thầy ở đâu, có thường về không? Ngày 3/5 là ngày ông ấy vừa về sao?
Ông Nguyễn Thành Được: Tôi làm nhà trong khoảng 1 tháng. Sư huynh tôi đang học ở Đà Lạt. Hôm đó sư huynh tôi mới về được 2,3 ngày.
Tuy nhiên, đến trưa 25/5/2021, ông Nguyễn Thành Được cho biết, sau khi PV điện thoại (ngày 19/5), ông kiểm tra lại các hoá đơn, chứng từ liên quan đến việc mua vật liệu xây dựng để làm nhà (nơi có tịnh thất BC Minh khai đến đó vào chiều 3/5), ông đã nhớ nhầm, ngày 3/5 ông chưa làm nhà, mà làm vào đầu tháng 6/2020. Việc này thể hiện qua các hoá đơn mua, vận chuyển vật liệu xây dựng để làm nhà vào các ngày 27/5 và 6, 7/6-2020).
PV gửi cho ông Được xem 4 bức ảnh của ông Minh vào các thời điểm BC mới bị bắt, lúc ở trại tạm giam, tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm (đã bị tạm hoãn) để ông Được xác định đã gặp người này chưa, ông Được băn khoăn: "Chị còn tấm ảnh nào khác của ông Minh trước đó không?". Tôi trả lời là không. Ông Được nói: "Người này (ảnh của Minh) lạ lắm, tôi chắc chắn chưa gặp. Tôi khẳng định chỉ gặp, nói chuyện với một người đàn ông vào thời điểm tôi làm nhà. Tôi nhớ khi đó có chiếc xe ô tô bán tải màu xanh đậu phía ngoài cổng chùa. Như vậy là đầu tháng 6/2020. Còn trước lúc tôi làm nhà, không có người đàn ông nào đi xe ô tô bán tải màu xanh đến vườn lan tôi cả"!
"Tôi chỉ nhìn thấy bàn chân, không nhìn rõ mặt"!
"Tờ tường trình sự việc" của bà Bùi Thị Bình có nội dung: Khoảng hơn 16h ngày 3/5/2020, bà đang làm việc ở chùa của ông Nguyễn Thành Được (thầy Lượng), thấy một người đàn ông đi xe ô tô bán tải vào chùa nói chuyện với thầy khoảng 30 phút (sau này mới biết là ông Đỗ Văn Minh). Lúc đó, bà Bình có nhìn vào trong xe, thấy có người nằm ngủ ở ghế sau.
Phóng viên hỏi thêm về chi tiết này, bà Bình cho biết: "Thấy có người đi vào chùa, lại đi ô tô, xe đậu sát đất nhà tôi, tôi cũng thường làm công quả, phụ giúp chùa nên tôi nghĩ ông khách đi làm từ thiện. Khi ông ấy vào cổng chùa nói chuyện với thầy, cửa xe bên tài xế hé mở nên tôi nhìn vào bên trong. Chính xác là tôi nhìn thấy bàn chân, không trông thấy người".
PV: Nhìn vào trong xe bao quát, hẳn bà phải thấy nguyên cả người hay đồ gì đó, chứ không chỉ thấy bàn chân?
Bà Bùi Thị Bình: Do ghế phía trên tài xế cao, xe ô tô bán tải cao, tôi thấp bé lắm nên khi nhìn vào, tôi không thấy hết được, nhưng chắc chắn là thấy bàn chân. Nghĩ có người trên xe nên tôi quay ra. Tôi cũng không nhìn kỹ đâu, sẵn cửa xe hé mở, tôi nhìn thôi. Khi có người đến gặp và hỏi, tôi biết gì thì nói, không thêm, không bớt.
Vì sao không thực nghiệm hiện trường?
Ngoài việc xuất hiện 4 nhân chứng mới với những lời trình bày liên quan đến việc gặp BC Minh vào các ngày 2 và 3/5/2020, thêm một chi tiết khiến các luật sư bào chữa cho bị cáo Minh và cũng khiến nhiều người thắc mắc, đó là vụ án Đỗ Văn Minh sát hại người thân rồi đốt xác phi tang không được thực nghiệm hiện trường. Đây có phải là một thiếu sót trong hoạt động điều tra của Cơ quan chức năng?
Ngày 19/5/2021, trao đổi với phóng viên, một Phó trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, việc không thực nghiệm hiện trường vụ án không có vấn đề gì là sai sót. Thực nghiệm hiện trường là thực nghiệm điều tra, thực nghiệm hiện trường (vị trí xảy ra) và hành vi (của đối tượng liên quan). Mục đích là để đánh giá, xác định khả năng (đối tượng) có thực hiện hành vi đó không, phù hợp (hợp lý) không?
Ví dụ như, anh thấp bé thế sao với được lên trần nhà để lấy vật đó, có thể nhảy cao 2m ở hiện trường đó được không, trong đêm tối có nhìn được rõ vậy không...
Còn khi tất cả lời khai, chứng cứ phù hợp thực tế khách quan thì không cần thiết phải làm (thực nghiệm hiện trường). Luật cũng không bắt buộc. Trong vụ án này, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát xét thấy mọi chứng cứ, lời khai của Đỗ Văn Minh phù hợp với diễn biến, trình tự gây ra một chuỗi hành vi sau đó, dẫn đến vụ án mạng là phù hợp nên thống nhất không thực nghiệm hiện trường.
Xem thêm: lmth.509211_hnim-ihc-ohpt-na-gnoc-oab-nav-gnohp-iol-art-gnuhc-nahn-cac-cax-tod/na-uv/nv.moc.nagnoc