Người dân tận hưởng bữa ăn ngoài trời tại thành phố New York, Mỹ, ngày 23-5 - Ảnh: Reuters
Báo cáo do Hiệp hội Kinh tế doanh nghiệp quốc gia Mỹ (NABE) công bố ngày 24-5 nêu dự báo của một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Mỹ cảnh giác lạm phát
Theo chỉ số hồi phục của CNN và hãng phân tích Moody's, nền kinh tế Mỹ đã hồi phục 90% so với thời điểm đại dịch bùng phát cách đây một năm nhờ tác động tích cực từ tỉ lệ tiêm chủng tăng nhanh chóng. Các hạn chế áp với doanh nghiệp đã được nới lỏng, ngày càng nhiều người Mỹ ra ngoài mua sắm, ăn uống và du lịch. Các gói hỗ trợ lớn của chính phủ liên bang cũng góp phần không nhỏ giúp bức tranh kinh tế sôi động trở lại.
Theo Đài Fox News, báo cáo mới của NABE được tung ra hai tuần sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 2-2021 tăng mạnh nhất sau nhiều thập niên. Thông báo này khiến không ít chuyên gia lo lắng về nguy cơ xảy ra lạm phát cao.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã giữ lãi suất gần mức 0% từ tháng 3-2020. FED liên tục nhấn mạnh sẽ duy trì mức này cho đến khi thị trường lao động Mỹ "vươn lên tương xứng" với kỳ vọng, lạm phát đạt 2% và không vượt lên quá nhiều nữa trong một khoảng thời gian nhất định.
Trong khi đó, CNN cho rằng Mỹ vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để trở lại phong độ của "thời không COVID-19". Dù chương trình tiêm chủng đạt hiệu quả tích cực và người dân đã tăng chi tiêu cho ăn uống, du lịch nhưng Mỹ vẫn thiếu hàng triệu việc làm so với trước dịch.
Nguồn: New York Times, WordOMeters - Tổng hợp: Nguyên Hạnh - Đồ họa: T.ĐẠT
Châu Âu kỳ vọng du lịch
Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 20-5 đã đạt được thỏa thuận về việc cấp chứng chỉ xanh kỹ thuật số châu Âu, nay được gọi là chứng chỉ COVID kỹ thuật số của EU (EUDCC). Đây là công cụ được kỳ vọng sẽ giúp người dân EU sớm khôi phục cuộc sống bình thường sau dịch COVID-19.
Thỏa thuận cho phép công dân của 27 quốc gia thành viên EU nhận được EUDCC cho đến cuối tháng 6 năm nay. Chứng chỉ sẽ ghi nhận tình trạng tiêm chủng, kết quả xét nghiệm COVID-19 hoặc tình trạng hồi phục sau khi mắc bệnh.
"Đây là bước tiến quan trọng để việc đi lại tự do trong EU được an toàn nhất có thể, đồng thời mang lại sự minh bạch và chắc chắn cho công dân chúng ta" - ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides nói. Giới quan sát đánh giá thỏa thuận mới của EU sẽ là công cụ trọng yếu giúp ngành du lịch châu Âu hồi sinh trong mùa hè này.
Đài Euronews nhận định nền kinh tế EU sẽ tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng trong năm 2021 và 2022 nhờ tốc độ tiêm chủng nhanh chóng toàn khối và các biện pháp phòng dịch dần được nới lỏng.
Theo thống kê mới nhất của báo New York Times, cứ 100 người dân châu Âu có 43 người đã tiêm vắc xin COVID-19. Với nhiều tín hiệu đáng mừng, Ủy ban châu Âu (EC) dự đoán nền kinh tế khối này sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay.
Trong khi đó, Anh - cựu thành viên EU - cũng đang lạc quan với triển vọng kinh tế hồi phục từ hoạt động của nhà hàng, quán bia. Theo nghiên cứu của ứng dụng tài chính Dojo, so với trước đó một tuần, ngày 17-5 Anh đã có thêm 23% nhà hàng mở cửa. Mức chi tiêu của người dân tại đây cũng tăng 40% trong cùng giai đoạn.
Cùng lúc, khối doanh nghiệp tư nhân của Anh cũng tăng trưởng nhanh nhất trong hai thập niên qua vào tháng 5-2021. Viễn cảnh mở cửa kinh tế đang giúp doanh nghiệp nước này tự tin hơn.
Theo Yahoo, các số liệu từ hãng phân tích IHS Markit Economics cho thấy các khách sạn, nhà hàng và nhiều dịch vụ tiêu dùng khác đang dẫn đầu xu hướng tăng trưởng của khối doanh nghiệp tư nhân tại Anh.
EU kêu gọi Mỹ nới lỏng xuất khẩu nguyên liệu vắc xin
Theo Hãng tin Reuters, EU thuyết phục Mỹ nới lỏng quy định xuất khẩu nguyên liệu sản xuất vắc xin cần thiết cho Hãng dược CureVac của Đức. Hãng này đang điều chế vắc xin thử nghiệm ngừa COVID-19.
Cụ thể, các quan chức EU cho biết quyết định nới lỏng các quy định của Mỹ sẽ giúp CureVac sản xuất vắc xin cho đến tháng 8-2021. Đây là một phần nỗ lực trong nhiều tháng của Brussels nhằm kêu gọi Nhà Trắng nới lỏng hoặc bỏ bớt một số hạn chế xuất khẩu. Dù vậy, Reuters cho biết nguồn cung nguyên liệu vắc xin trên vẫn chưa được đảm bảo cho giai đoạn sau tháng 8.
TTO - Nhiều nền kinh tế, trong đó có Nhật Bản và khu vực châu Âu sử dụng đồng euro (Eurozone), đã có tín hiệu cải thiện tích cực. Những gói hỗ trợ của Mỹ đã có hiệu ứng cho toàn cầu.
Xem thêm: mth.2544138062501202-et-hnik-auc-om-hcir-cur-ua-ym/nv.ertiout