UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản đốc thúc thu hồi tiền thuê đất của Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh tại Dự án Nhà máy Luyện Gang thép công suất 500.000 tấn/năm ở Khu Kinh tế Vũng Áng.
Theo đó, văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu Trung tâm Xúc tiến đầu tư và cung ứng dịch vụ KKT tỉnh Hà Tĩnh thực hiện thủ tục chấm dứt và thanh lý hợp đồng thuê đất đối với Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh theo đúng quy định của pháp luật. Đôn đốc, có biện pháp thu hồi khoản tiền nợ thuê đất của Dự án Nhà máy Luyện Gang thép công suất 500.000 tấn/năm của Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh.
Văn bản cũng yêu cầu “Làm rõ trách nhiệm chậm xử lý hợp đồng thuê lại đất khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động và các hệ lụy phát sinh (nếu có)”. Việc xử lý các nội dung trên, yêu cầu BQL Khu Kinh tế tỉnh Hà Tĩnh báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30.5.
Liên quan đến nội dung trên, sáng ngày 26.5, ông Hồ Quốc Long - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư và cung ứng dịch vụ KKT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã thực hiện chấm dứt hợp đồng thuê đất với Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh. Việc thu hồi tiền nợ thuê đất của Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh, đến nay đã thu hồi được 2 lần, số còn lại đang tiếp tục thu hồi. Tuy nhiên, số liệu tiền còn nợ bao nhiêu, ông Long nói để kiểm tra lại đã.
Trước đó, như Lao Động đã thông tin, ngày 24.4.2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng có liên quan khi cho vay thực hiện Dự án Nhà máy Luyện Gang thép công suất 500.000 tấn/năm ở Khu Kinh tế Vũng Áng.Năm 2007, Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh được Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án là Nhà máy Liên hợp Gang thép, công suất giai đoạn 1 là 250.000 tấn/năm, giai đoạn 2 nâng lên công suất 500.000 tấn/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.700 tỉ đồng tọa lạc trên diện tích 25 ha thuộc xã Kỳ Thịnh huyện Kỳ Anh (nay là phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh).
Nguồn vốn triển khai dự án là huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng 85%, còn lại 15% là của chủ đầu tư. Theo chứng nhận đầu tư, đến tháng 8.2010, nhà máy sản xuất thử ra phôi thép thương phẩm. Tuy nhiên, dự án không thực hiện được như cam kết sau khi đầu tư, mua sắm nhiều máy móc, thiết bị rồi bỏ hoang từ năm 2010.
Trước tình trạng không thể đi vào hoạt động, năm 2016, Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh đã thu hồi dự án này. Đầu năm 2019, Nhà máy thép Vạn Lợi được định giá tài sản là 108 tỉ đồng để tổ chức bán đấu giá. Cuối cùng, dự án được bán với giá 205 tỉ đồng cho một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Định.
Cơ quan điều tra xác định, việc cho vay của dự án nêu trên có dấu hiệu sai phạm liên quan đến năng lực tài chính của chủ đầu tư, chỉ định thầu, cho vay vốn không đảm bảo điều kiện. Dự án dang dở gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh với số tiền trên 1.554 tỉ đồng và gần 165.000 USD.
Xem thêm: odl.423319-yt-0061-nag-yav-nov-iah-teiht-yag-hnit-ah-o-gnuhk-peht-yam-ahn-na-ud/et-hnik/nv.gnodoal