Kỳ vọng và lo ngại khi thị trường chứng khoán lên ngưỡng mới
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) – Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán trong tháng 5-2021 tiếp tục đà tăng kéo dài từ tháng 4-2020, kết hợp với tính thanh khoản cao của thị trường đã đưa chỉ số VN-Index liên tục vượt qua các mốc kỷ lục. Giới phân tích lạc quan kỳ vọng rằng nếu nắm bắt được thời cơ, 2021 sẽ là năm tạo ra bước tiến quan trọng đưa thị trường chứng khoán lên một ngưỡng mới.
Giá trị giao dịch, tính thanh khoản tăng theo VN-Index
Phiên giao dịch ngày 25-5 chứng kiến thị trường chứng khoán lại phá mốc kỷ lục mới, khi chỉ số VN-Index đạt 1.308 điểm với giá trị giao dịch trên 21.000 tỉ đồng. Giá trị giao dịch này tuy không cao so với với nhiều phiên trước đó, nhưng dự kiến tháng 5 sẽ tiếp tục ghi dấu kỷ lục mới về giá trị khi tính đến hết phiên ngày 25-5, con số bình quân đã là hơn 22.000 tỉ đồng.
Con số nói trên cao hơn đáng kể so với mức bình quân 18.347 tỉ đồng/phiên trong tháng 4, theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE). Đáng chú ý là trong tháng 5 đã có vài phiên giá trị giao dịch vượt hơn 23.600 tỉ đồng, tức là ở mức tỉ đô la Mỹ.
Có thể nói, dòng tiền tham gia thị trường đang ngày càng lớn dần theo đà tăng của chỉ số VN-Index, từ con số bình quân 4.000-5.000 tỉ đồng/phiên, lên dần đến 7.000-8.000 tỉ đồng, rồi 12.000-14.000 tỉ đồng và hiện nay đã ở mức 20.000 tỉ đồng. Mỗi lần thị trường điều chỉnh là lại có dòng tiền mới đổ vào, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư cũng chấp nhận mặt bằng giá cao hơn đáng kể so với thời điểm hơn một năm trước đây.
Giá trị giao dịch tăng đều nhịp cũng ghi nhận một điểm đáng chú ý là việc cải thiện tình hình “nghẽn lệnh” trên hệ thống HOSE có bước tiến mới. “Tình trạng tắc nghẽn lệnh trên sàn HoSE tiếp tục diễn ra trong tháng 4-2021 nhưng sàn giao dịch “bằng cách nào đó” đã điều chỉnh hệ thống, nâng thanh khoản lên 30% và giúp VN-Index bứt phá trên 1.200 điểm và tăng lên 1.268 điểm vào giữa tháng 4-2021”, báo cáo của Công ty chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) nhận định.
Dòng vốn rẻ hơn đang là nhân tố chính giúp tiền chảy trên thị trường trở nên dồi dào hơn, nhưng có một điểm gây chú ý khác trên thị trường hiện nay là sự “trỗi dậy” của nhóm các nhà đầu tư trong nước.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng, các nhà đầu tư nước ngoài thường duy trì xu hướng bán ròng (tức bán nhiều hơn mua), lượng giao dịch tăng lên được bù đắp bởi các nhà đầu tư trong nước. “Các nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực đỡ chính cho thị trường, dù sự hưng phấn của họ đang giảm nhiệt trong tháng 4 vừa qua”, đại diện khối phân tích Công ty MBKE trao đổi thêm với KTSG Online.
Tuy dòng tiền tăng liên tục, nhưng cũng có những lo ngại khi dòng chảy này có thể chảy ngược bất kỳ lúc nào, dù vậy nhiều chuyên gia đánh giá rằng xu hướng hiện nay sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. “Đây không phải là sự tăng trưởng nhất thời về mặt thanh khoản, mà là tầm cao mới của thị trường khi có sự tham gia mới của nhiều nhà đầu tư F0”, vị đại diện khối phân tích của MBKE cho biết.
Những kỳ vọng cùng lo ngại trái chiều
Tính thanh khoản của thị trường tăng lên mang theo những kỳ vọng mới, nhưng cũng để lại những rủi ro về khía cạnh quản lý hệ thống. “Sự gia nhập của nhiều nhà đầu tư F0 ngoài mặt tích cực là giúp thị trường lên tầm cao mới thì cũng đem lại những áp lực đặc biệt là hệ thống”, vị đại diện MBKE cho biết.
Trong thời gian qua, cũng xuất hiện thông tin cơ quan quản lý đã có những quan ngại nhất định về việc các công ty chứng khoán tăng vốn quá nhanh, có thể tạo áp lực ngược lên hệ thống. Dù vậy, các chuyên gia cũng đặt kỳ vọng việc triển khai thành công các giải pháp chống nghẽn lệnh trên HoSE sẽ tiếp tục giúp cải thiện đáng kể tính thanh khoản của thị trường trong nửa cuối năm nay.
Ở góc nhìn của nhà đầu tư, một lo ngại khác là rủi ro thị trường quay đầu sụt giảm. VN-Index thời gian qua đi lên trong sự nghi ngờ về khả năng điều chỉnh của thị trường, khi mặt bằng giá cứ tiếp tục nâng dần lên những mốc kỷ lục mới. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp như hiện nay, một câu hỏi quan trọng đặt ra là trợ lực từ các nhà đầu tư cá nhân liệu có giúp thị trường tăng trưởng bền vững?
Một trường hợp điển hình đáng lưu ý là nhóm cổ phiếu ngân hàng, được xem là “trụ đỡ” quan trọng cho thị trường trong thời gian qua. Giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng đã tăng gấp đôi, gấp ba trong thời gian ngắn; trong đó, không ít ngân hàng có cổ phiếu đang giao dịch ở mức giá kỷ lục, bất kể quy mô hoạt động lớn nhỏ. Việc mạnh tay tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ dẫn đến áp lực trực tiếp về thị giá trong ngắn hạn. “Cần cẩn trọng hơn đối với nhóm ngân hàng do triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá”, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán SSI đánh giá.
Trái với diễn biến thuận lợi trong năm ngoái, thị trường chứng khoán năm nay có sự phân hóa rất mạnh khi chỉ số VN-Index lần lượt phá đỉnh quan trọng. Các nhà đầu tư F0 trong năm qua nay đã trở thành nhà đầu tư F1, cũng đã bước qua những thời điểm thị trường tăng mạnh và rớt mạnh.
Dù vậy, trong xu hướng tăng chung thì nhiều nhà đầu tư vẫn có thể nếm “trái đắng” nếu chọn sai danh mục đầu tư, thậm chí là những cổ phiếu “bluechip” như Vinamilk lại đi ngược dòng thị trường trong thời gian gần đây. Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” cũng diễn ra thường xuyên khi chỉ có một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn tăng, nhưng phần đông cổ phiếu còn lại thì giảm.
Về yếu tố vĩ mô, cũng bắt đầu xuất hiện những quan điểm trái chiều. Một nhóm đặt mối lo ngại về chính sách tiền tệ mở rộng trên toàn cầu và cả ở Việt Nam sẽ bị siết lại vì lạm phát và “tiền rẻ” quá nhiều, trong khi nhóm khác thì đặt niềm tin vào khả năng kiểm soát lạm phát ở Việt Nam.
Trong đại hội cổ đông thường niên mới đây của SSI, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng đánh giá rằng thị trường năm 2021 sẽ tốt hơn năm ngoái. Khái niệm “tốt” ở đây nghĩa là tính thanh khoản tốt hơn, khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán sẽ cao hơn chứ không phải là thị trường chỉ có tăng mà không giảm.
Xem thêm: lmth.iom-gnougn-nel-naohk-gnuhc-gnourt-iht-ihk-iagn-ol-av-gnov-yk/366613/nv.semitnogiaseht.www