Sở Tài chính cho hay, trong 4 tháng đầu năm 2021, tình hình giá cả thị trường trên địa bàn TPHCM bị tác động bởi nhiều yếu tố. Chẳng hạn, giá xăng dầu liên tục tăng từ tháng 1 đến tháng 4, tác động từ bất ổn của một số nền kinh tế và tài chính trên thế giới, tác động của dịch COVID-19 bùng phát lại…
Các nhà sản xuất dầu ăn liên tục đòi tăng giá bán sản phẩm với lý do giá đậu nành nguyên liệu nhập khẩu tăng cao (Ảnh minh họa). |
Theo dự báo của Cục Quản lý giá trong 8 tháng cuối năm 2021, giá của nhiều mặt hàng, nguyên liệu trên thế giới có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt mặt hàng sắt thép xây dựng do nhu cầu tăng, mất cân đối về nguồn cung. Một phần ảnh hưởng do dịch COVID-19 nên tình hình vận tải khó khăn, khan hiếm container rỗng để xếp hàng… dẫn đến chi phí vận chuyển trên các tuyến quốc tế tăng đột biến 4-5 lần, kéo theo giá nguyên vật liệu nhập khẩu (thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, phân bón, dầu shortening, dầu đốt trấu, thùng giấy…) tăng mạnh.
Để đảm bảo tình hình thị trường những tháng còn lại được ổn định, Sở Tài chính đã triển khai các giải pháp điều hành giá. Trong đó, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý giá, đặc biệt đối với những hàng hóa, tiêu dùng thiết yếu.
Đồng thời Sở đề nghị Sở Công thương hướng dẫn, tiếp nhận kê khai giá mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, trường hợp nhóm mặt này tăng giá bất hợp lý phải kịp thời báo cáo cho UBND TPHCM; Sở Giao thông Vận tải giám sát việc niêm yết giá và bán vé đúng giá đối với các đơn vị vận tải.
Sở cũng đề nghị Sở Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bán đúng giá niêm yết đối với vật liệu xây dựng trên địa bàn, xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng tăng giá đẩy giá nguyên liệu đầu vào để tăng giá bất hợp lý; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi cung cầu mặt hàng thịt heo, theo dõi giá mặt hàng vật tư nông nghiệp (hạt giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) để xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng tăng giá.
Thanh Hoa