Trong buổi tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị trong thời gian tới, Đại sứ quán Trung Quốc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp hai nước. Trong đó, việc kiểm tra, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên nông - thủy sản, thực phẩm đông lạnh của Việt Nam là không cần thiết.
Không có căn cứ xét nghiệm Sars-Cov-2 trên nông sản
Trong đó, bao gồm việc mở cửa thị trường cho hàng nông sản Việt Nam, miễn kiểm tra virus SARS-CoV-2 đối với nông sản, thủy sản và thực phẩm đông lạnh Việt Nam, khôi phục các cửa khẩu, cặp chợ đang tạm thời dừng thông quan do dịch COVID-19, hỗ trợ các hoạt động kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc…
Đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam được nhiều bộ ngành, chuyên gia và doanh nghiệp đồng tình. Bởi hiện nay, việc kiểm tra, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên nông - thủy sản, thực phẩm đông lạnh của Việt Nam là không cần thiết.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay: "Đối với yêu cầu cần xét nghiệm COVID-19 trên nông - thuỷ sản, thực phẩm đông lạnh khi xuất sang Trung Quốc, chúng tôi thấy rằng, chưa có một căn cứ khoa học nào chứng minh việc virus Sars-CoV-2 có khả năng lây nhiễm qua sản phẩm nông sản, mà nguồn lây từ con người với con người.
Chính vì vậy, việc nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải xét nghiệm COVID-19 trên bao bì sản phẩm là không có căn cứ, các bộ, ngành cũng đã có văn bản gửi sang các nước đối tác để họ tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ xuất khẩu nông sản - thuỷ sản, thực phẩm đông lạnh".
Theo ông Tiến, hiện Việt Nam có một hệ sinh thái nông nghiệp rất bền vững, với 13.500 doanh nghiệp; 17.000 hợp tác xã, 34.400 trang trại, 78,8 triệu hộ nông dân. Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, cả hệ sinh thái hoạt động theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đảm bảo cả lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản duy trì được đà tăng trưởng.
"Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các nhà máy chế biến luôn được đặt trong tình trạng cấp bách, cần giữ an toàn tuyệt đối. Bộ siết rất chặt, công tác phòng, chống dịch, phải làm thật nghiêm túc, chắc chắn, vì nếu dịch xảy ra trong một nhà máy là chuỗi cung ứng sẽ dừng lại hết.
Khi có dịch, một số nhà máy “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, có những bộ phận 3 tháng, 6 tháng mới rời nhà máy về nhà. Hầu như các cơ sở chế biến đều yêu cầu công nhân ăn nghỉ tại chỗ, thực hiện tốt 5K nên chưa có doanh nghiệp chế biến nào trong ngành Nông nghiệp có ca bệnh” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các thị trường xuất khẩu của Việt Nam vẫn được đảm bảo. Hiện có 815 doanh nghiệp tôm, khoảng 200 doanh nghiệp cá tra, 125 doanh nghiệp các ngành hàng khác trong lĩnh vực thủy sản xuất khẩu thủy sản đi thị trường Châu Âu và Mỹ. Một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng tăng trưởng cao, Hàn Quốc tăng trưởng tới 213%.
Đặc biệt, trong bối cảnh các nước xuất khẩu giảm, chuỗi cung ứng của các nước bị đứt gãy do ảnh hưởng của COVID-19 thì đây là cơ hội của nông sản Việt Nam. Khi chúng ta chống dịch tốt, giữ được an toàn sinh học, tiếp tục tăng diện tích để nâng cao sản lượng, giữ được chuỗi cung ứng ổn định thì đảm bảo được giá trị xuất khẩu.
Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nêu quan điểm, việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên nông - thuỷ sản và thực phẩm đông lạnh xuất khẩu là không cần thiết.
“Virus Sars-CoV-2 phát tán lây nhiễm từ người sang người thông qua tiếp xúc gần và đường giọt bắn. Hiện tại chưa có thông tin về virus có thể sống bao lâu trên thực phẩm và FDA (cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ, thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ) thông báo chưa có thông tin về khả năng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua thực phẩm tươi hoặc thực phẩm đóng gói. Chính vì vậy, không nên băn khoăn về việc liệu virus SARS-CoV-2 có lây qua đường thực phẩm, hàng hóa không?
Tất nhiên, trong quá trình thực hiện, giao thương hàng hoá, các phương tiện chuyên chở hàng hoá cần được phun khử trùng, khử khuẩn, lái xe cần được xét nghiệm SARS-Cov-2, đồng thời thực hiện sát khuẩn tay thường xuyên” - ông Phu nói.
Xuất khẩu vải thiều "không COVID-19"
Đối với các địa phương có nông sản đến mùa vụ thu hoạch, cần được tiêu thụ sẽ có những kịch bản phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khác nhau. Ví dụ như ở Bắc Giang, địa phương đang phải gồng mình chống dịch khi các ca bệnh liên tục tăng - trong khi hàng trăm nghìn tấn vải thiều ở địa phương này lại đang đến mùa thu hoạch. Một kịch bản tiêu thụ vải chặt chẽ là hết sức cần thiết.
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho Lao Động biết, ngoài việc xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch COVID-19, kiểm soát chặt dịch bệnh và chủ động kết nối với thị trường tiêu thụ lớn, Bắc Giang cũng tổ chức dán tem "không COVID-19" trước khi đưa các lô vải thiều đi tiêu thụ.
Theo đó, từ ngày 14.5, Ban chỉ huy quân sự huyện Lục Ngạn được giao chủ trì lập 7 chốt kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 tại các tuyến đường cửa ngõ vào huyện để kiểm soát người ra vào vùng vải thiều.
"Tại các trạm kiểm soát có treo biển khu vực bảo vệ chống dịch vào vùng vải an toàn. Mỗi chốt đều bố trí lực lượng liên ngành bao gồm công an, quân đội, y tế... Tất cả người dân, phương tiện khi đi qua đều phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt... để sàng lọc. Nếu trường hợp nào nghi ngờ, chúng tôi sẽ cách ly, lấy mẫu xét nghiệm" - ông Tấn cho biết.
Ngành y tế tỉnh Bắc Giang đang tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho toàn bộ nhà vườn, hộ nông dân, người thu mua, thương nhân, lao động trên địa bàn. Các thương nhân, đại lý, điểm thu mua được yêu cầu phải đăng ký rõ ràng nơi thu mua, có bao nhiêu lao động, có bao nhiêu lái xe để vận chuyển hàng hóa.
Sau khi đóng hàng, các lô vải thiều sẽ được phun thuốc khử khuẩn bằng Cloramin B, đồng thời dán tem "Vải thiều không có dịch COVID-19" trên thùng hàng trước khi được vận chuyển đi tiêu thụ.
Theo ông Tấn, hiện thương nhân hai nước vẫn trao đổi, giao kết với nhau bằng phương thức giao nhận hàng phù hợp và linh hoạt. Điểm giao nhận xe và hàng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được thống nhất với nhau.
Theo đó, thương nhân Việt Nam sẽ chở hàng đến một điểm giao nhận đã thoả thuận, được lãnh đạo các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và Lào Cai, Lạng Sơn đồng ý. Sau đó, thương nhân Trung Quốc sẽ đến điểm giao kết đó, tự lái xe hàng về điểm giao nhận hàng của phía Trung Quốc.
Sau khi nhận hàng xong, lái xe của Trung Quốc mang xe chở lại điểm giao kết và trả lại cho Việt Nam. Trước khi đưa xe về Lục Ngạn, Tân Yên, xe này được phun khử trùng, khử khuẩn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng - các quy trình đưa nông sản đi tiêu thụ đều được các địa phương làm rất chặt chẽ.
“Từng lô hàng đều có QR code thể hiện thông tin về vùng vải, người thu hoạch, bảo quản, vận chuyển… Toàn bộ lực lượng lao động thu hái, đóng gói nông sản sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nhanh COVID-19. Điểm thu mua, đóng gói được khử trùng... bảo đảm việc sản xuất và tiêu thụ vải trên địa bàn diễn ra bình thường” - ông Toản cho hay.