Trong bối cảnh dịch COVID-19 với những rủi ro khi thanh toán tiền mặt đã được cảnh báo, dịch vụ thanh toán Mobile Money đang trong giai đoạn thí điểm được kỳ vọng có thể sẽ mang lại nhiều đột phá mới. Ở thời điểm này, các nhà mạng viễn thông cũng đang gấp rút chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để phổ cập dịch vụ này đến đông đảo người dân.
Biết rủi ro, vẫn phải giao dịch tiền mặt
Ngày 25.5, theo ghi nhận của PV Lao Động, tại các điểm mua bán, đặc biệt là trong các chợ truyền thống, hình thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn chiếm phổ biến dù hình thức giao dịch này đã được cảnh báo là không an toàn trong khi dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, trả lời phóng viên, nhiều người dân cũng mong chờ được trải nghiệm dịch vụ thanh toán Mobile Money. Một dịch vụ đang trong giai đoạn thí điểm và hứa hẹn mang lại nhiều tiện ích, xu hướng mới trong tiêu dùng.
Chị Lê Thị Lan (sinh năm 1990, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Gần như ngày nào tôi cũng ghé qua chợ để mua thực phẩm, rau củ... nấu ăn cho cả gia đình. Tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại nên mỗi lần ra chợ, tôi đều rất ái ngại việc phải đưa tiền mặt, nhận tiền thừa từ người bán hàng. Tờ tiền giấy từ hàng cá, qua hàng rau, đến hàng thịt, sang tay không biết bao nhiêu người trong chợ nên tôi rất lo lắng.
Tôi có nghe nói đến dịch vụ thanh toán số Mobile Money mới đang trong quá trình thí điểm nhưng chưa được sử dụng. Nhiều người dân cũng nghĩ cái này còn mới lắm".
Trong khi đó, gần 2 tuần nay, chị Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1988, Hà Nội) đã chuyển dần sang mua bán, thanh toán online khi mua sắm hằng ngày.
"Để hạn chế tiếp xúc, đảm bảo an toàn trong dịch COVID-19 nên tôi cũng hạn chế ra khỏi nhà, chủ yếu đặt hàng và thanh toán online. Khi tìm hiểu về dịch vụ Mobile Money, thanh toán phi tiền mặt, tôi cũng mong chờ được trải nghiệm. Tôi nghĩ rằng đây là tiện ích hay cần sớm được phổ biến tới người dân".
Theo chị Minh, nếu như dịch vụ thanh toán số Mobile Money được áp dụng rộng rãi trong dịch COVID-19 thì nhiều người tiêu dùng sẽ cảm thấy an tâm hơn. Tuy nhiên, chị Minh cũng thừa nhận, trong thời điểm dịch vụ này chưa được phổ cập, khi đến các điểm mua bán nhỏ lẻ như chợ dân sinh, cửa hàng tạp hoá… nhiều người dân như chị vẫn phải dự trữ một khoản tiền mặt cố định để mua những vật dụng, đồ dùng cần thiết cho gia đình.
Thực tế cho thấy, hoạt động quét mã QR hay sử dụng ví điện tử đã được nhiều người dân sử dụng, tuy nhiên, khi ra chợ với mục tiêu chính là mua "con cá, lá rau", thanh toán tiền mặt vẫn là một thói quen khó bỏ.
Điều này đặt ra bài toán cho Mobile Money cần phải được len sâu hơn vào các giao dịch bình dân nhất. Có như vậy, viễn cảnh thanh toán không tiền mặt mới có thể trở nên khả thi hơn.
Doanh nghiệp viễn thông gấp rút triển khai
Trước đó, vào ngày 9.3, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Đến nay, các đơn vị viễn thông như Viettel, VNPT, MobiFone đã gửi hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ tới cơ quan chức năng xem xét, thẩm định.
Các nhà mạng này cũng đang chuẩn bị gấp rút về nhân lực, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để sẵn sàng cung cấp dịch vụ Mobile Money trên quy mô lớn.
Ông Phạm Trung Kiên - Tổng Giám đốc Viettel Digital - cho biết: "Với năng lực hiện tại của Viettel ngay lập tức 60 triệu thuê bao di động có thể tham gia thanh toán điện tử, đồng thời, Viettel cũng làm chủ hệ thống có năng lực xử lý giao dịch thanh toán rất mạnh.
Bên cạnh đó, Viettel hiện có hơn 200.000 điểm cung cấp dịch vụ, có bộ máy điều hành hơn 20.000 nhân sự phục vụ, chăm sóc người dùng, sâu xuống tận thôn, xóm".
Ngoài ra, để tăng cường sự chuẩn bị của mình, ngay từ năm cuối 2020, phía Tập đoàn Viettel đã thử nghiệm nội bộ với hơn 40.000 nhân viên sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán, chuyển tiền thay cho các giao dịch tiền lẻ.
Đáng chú ý, để triển khai Mobile Money, Viettel sẽ áp dụng triệt để công nghệ bảo mật thông tin với những tính năng như có thể tự động nhận diện các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi người sử dụng.
Đồng thời, theo đại diện của Viettel, một số giải pháp được đơn vị đề xuất để đẩy mạnh sự phổ biến của dịch vụ này bao gồm: Truyền thông mạnh để thay đổi hành vi sử dụng tiền mặt, phát triển thêm các điểm chấp nhận thanh toán, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, có chi phí cạnh tranh với các hình thức thanh toán điện tử khác, xử lý vấn đề chiết khấu, khuyến mại và đảm bảo an ninh tiền tệ...
Về phía nhà mạng VNPT, đơn vị này cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ Mobile Money.
Ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc VNPT Media - thông tin, điểm mạnh của VNPT là đã có trong tay một hệ sinh thái tài chính số. Dịch vụ thanh toán VNPT Pay đã có gần 50.000 điểm chấp nhận giao dịch.
Đồng thời, VNPT đã hoàn thiện toàn bộ giải pháp công nghệ và kỹ thuật với hệ sinh thái dịch vụ, gồm mạng giáo dục Việt Nam (VnEdu), dịch vụ phần mềm quản lý bệnh viện (VNPT HIS), dịch vụ phần mềm một cửa điện tử (VNPT-iGate)…
Cũng liên quan đến vấn đề này, để chuẩn bị cho việc thí điểm Mobile Money, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán vào đầu tháng 3.2021.
Đơn vị này cũng đã thành lập Trung tâm Dịch vụ số MobiFone, chuẩn bị các yếu tố về hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực, đồng thời, với việc sở hữu các điểm giao dịch rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước, MobiFone đã sẵn sàng nhập cuộc trong hoạt động cung cấp Mobile Money đến đông đảo người dùng.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thí điểm Mobile Money, đến cuối tháng 4.2021, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông chính thức ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, dịch vụ Mobile Money là dịch vụ mới tại Việt Nam, do đó để triển khai đảm bảo an toàn, hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 cơ quan nói trên trong việc thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo đúng quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quy chế phối hợp quy định cụ thể về nguyên tắc, phương thức và các nội dung phối hợp, phân công giữa 3 cơ quan.
Xem thêm: odl.255319-tam-neit-hcid-oaig-or-iur-hnart-yenom-elibom-naot-hnaht-hnahn-yad/et-hnik/nv.gnodoal