Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cáo buộc phương Tây đã vượt lằn ranh đỏ và tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại chính quyền Minsk, hãng tin Reuters cho hay.
Hôm 23-5, Belarus đã yêu cầu chuyến bay FR4978 của hãng hàng không Ryanair (Ireland) đổi hướng và hạ cánh khẩn cấp ở Minsk. Sau đó, lực lượng an ninh đã bắt hai hành khách là ông Roman Protasevich - người bị Belarus coi là phần tử có liên hệ với khủng bố - và bạn gái.
Trong bài phát biểu công khai đầu tiên sau vụ việc trên, ông Lukashenko ngày 26-5 nói rằng những phản ứng của phương Tây không khiến Minsk bất ngờ.
Truyền thông Belarus công bố video ông Roman Protasevich nhận tội tổ chức biểu tình trái phép ở thủ đô Minsk. Ảnh: TWITTER
Phát biểu tại Quốc hội Belarus, ông Lukashenko nói: "Như chúng tôi đã dự đoán, những kẻ xấu xa từ bên ngoài và bên trong đất nước đã thay đổi phương thức tấn công vào nhà nước này".
Ông Lukashenko cáo buộc ông Protasevich âm mưu gây ra "cuộc nổi loạn đẫm máu" trong nước. Còn phương Tây bị cáo buộc đã "vượt qua nhiều lằn ranh đỏ" và đang tiến hành "chiến tranh lai" chống lại Belarus. Ông Lukashenko không phân tích rõ cáo buộc này, song có thể hiểu "chiến tranh lai" là cuộc chiến kết hợp giữa các hoạt động công khai và bí mật như bạo loạn lật đổ, tung tin giả, can thiệp chính trị, chiến tranh ngoại giao, chiến tranh mạng...
Tổng thống Lukashenko tuyên bố chính quyền Minsk sẽ đáp trả gay gắt bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko cho biết nước này sẽ cấm nhập khẩu một số mặt hàng và hạn chế nhập cảnh đối với du khách phương Tây, song chưa công bố chi tiết biện pháp trả đũa này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei cáo buộc phương Tây đang bí mật tổ chức nhiều kế hoạch bạo lực và cực đoan để gây bất ổn, biến Belarus trở thành "một nước khốn cùng", hãng thông tấn TASS đưa tin.
Theo ông Makei, các nhà ngoại giao Belarus ở nhiều nước đang đối mặt với những áp lực khủng khiếp, gồm cả những lời đe dọa bạo lực thể chất và tâm lý. Ông Makei cũng nhắc lại rằng một số nước đang coi thường và "chế nhạo các biểu tượng nhà nước của Belarus".
Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei. Ảnh: TASS
Ông Makei nhắc lại rằng trong một sự kiện thể thao ở Latvia, Ngoại trưởng nước chủ nhà, ông Edgars Rinkevic và Thị trưởng thủ đô Riga, ông Martins Stakis đã thay quốc kỳ Belarus bằng một lá cờ không được công nhận. Còn Đại sứ quán Belarus tại Vilnius (Lithuania) hôm 26-5 đối mặt với mối đe dọa bị đốt phá.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh nhà nước Belarus (KGB) Ivan Tertel cho biết tình báo nước này phát hiện các lực lượng gây bất ổn ở Belarus đang được tài trợ hàng trăm triệu USD.
Ông Tertel nói rằng "thông tin do các bộ phận tình báo, phản gián và các bộ phân khác của KGB thu thập được" cho thấy tài trợ các hoạt động gây bất ổn, kể cả các hoạt động khủng bố, là một hướng chính trong dài hạn của các thế lực chống phá.
Ông Tertel cáo buộc phương Tây "cố gắng tìm hoặc tạo ra" các sự cố "thổi bùng" bất ổn, điển hình là việc công kích Belarus sau vụ việc liên quan tới chuyến bay FR4978.
Ông Protasevich là đồng sáng lập của một tài khoản truyền thông trên mạng xã hội nhưng kênh này bị Minsk coi là "cực đoan". Ông này được phương Tây mô tả là một "nhà báo" và là một nhân vật đối lập tại Belarus.
Vụ việc hôm 23-5 khiến Belarus vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Mỹ và châu Âu, trong đó có nước láng giềng vùng Baltic là Lithuania - điểm đến trong kế hoạch của chuyến bay FR4978, cũng là nơi ông Protasevich sống lưu vong trước khi bị bắt.
Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) thống nhất sẽ bổ sung các biện pháp trừng phạt chống lại Belarus và cấm các hoạt động hàng không liên quan tới Belarus. Mỹ chưa ban hành biện pháp trừng phạt.
Belarus giải thích rằng chuyến bay FR4978 phải hạ cánh do có đe dọa đánh bom nhưng sau đó, lực lượng an ninh không tìm thấy vật liệu nổ nào trên máy bay và đã mở cuộc điều tra về "cảnh báo giả" này.
Trong khi đó, truyền thông ở Nga - nước đồng minh của Belarus - so sánh việc làm của Belarus với sự việc hồi năm 2013, khi các nước Tây Âu muốn chuyên cơ của ông Evo Morales (khi đó là Tổng thống Bolivia) hạ cánh để bắt cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden - người bị Washington truy tố vì tiết lộ thông tin mật và nằm trong danh sách cần được dẫn độ về Mỹ.
Khi đó, một loạt nước Tây Âu không cho máy bay của ông Morales bay qua không phận sau khi có thông tin ông Snowden có mặt trên chuyến bay nên chuyên cơ phải hạ cánh ở Áo. Sau khi khám xét, lực lượng an ninh phương Tây xác nhận tin chỉ điểm trên là không chính xác.