Chưa kịp phục hồi sau 3 đợt dịch Covid-19 liên tiếp, thì đợt dịch thứ 4 lại ập đến, khiến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải từ đường bộ, đường sắt đến hàng không… hầu hết điêu đứng.
Nguy cơ phá sản cận kề
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch Đồng Lợi (Hà Nội), nói nguy cơ phá sản đang dần hiện hữu. Công ty đã phải cắt giảm nhân công, cắt giảm gần 80% số phương tiện chạy tuyến cố định để tiết giảm chi phí vậy mà thu vẫn không đủ bù chi.
Còn ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt (chuyên chạy tuyến Lào Cai - Hà Nội), cho biết lãnh đạo DN đang đau đầu tìm cách trả khoản nợ và lãi gần 1 tỉ đồng cho ngân hàng do chính sách giãn nợ hỗ trợ Covid-19 đã hết hiệu lực.
Theo ông Bằng, DN có 100 xe khách nhưng từ đầu tháng 5 đến nay phải dừng hoạt động gần như toàn bộ vì không có khách, chỉ có 2, 3 xe chạy để duy trì tuyến. Mỗi chuyến thu được 2 triệu đồng, trong khi chi phí vận hành tốn tới 7,5 triệu đồng. "Cứ chạy là lỗ mà không chạy thì mất khách. Mỗi tháng chúng tôi phải bù lỗ hàng tỉ đồng để duy trì tuyến, thuê trụ sở, trả nợ ngân hàng và thực hiện chế độ chính sách cho người lao động. DN đã cạn quỹ dự phòng để gồng gánh, nếu các ngân hàng tiếp tục truy nợ, thu lãi… buộc phải đem xe gán nợ" - ông Bằng nói.
Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), cho hay khi chưa có dịch, tần suất xe xuất bến khoảng 800 lượt/ngày, hiện chỉ còn khoảng 350 lượt xe/ngày nhưng rất vắng khách. "Nếu dịch Covid-19 cứ kéo dài, cả DN vận tải và bến xe đều lâm vào bước đường cùng" - ông Sơn chua chát.
Với các DN taxi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, ngán ngẩm cho biết hiện các DN chỉ duy trì hoạt động khoảng 50% số xe, doanh thu cũng giảm quá nửa. Đơn cử, Công ty Mai Linh miền Bắc doanh thu giảm tới 60%, người lao động bị giảm thu nhập nghiêm trọng.
Từ năm 2020, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ các nhóm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Hùng, DN muốn được hỗ trợ phải trình rất nhiều thứ giấy tờ như: chứng minh đóng cửa từ 30 ngày trở lên, không phát sinh doanh thu, có tối thiểu 70% lao động nghỉ việc... "Với các điều kiện này, DN đã phá sản rồi, làm sao để được tiếp cận nguồn vốn? Thực tế, đến thời điểm này, gần như chưa có DN nào tiếp cận được các gói hỗ trợ của nhà nước. Chủ trương là ngân hàng cho DN vay vốn để trả lương nhưng lại yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Với DN vận tải, tài sản thế chấp chủ yếu là ôtô nhưng xe đã cũ nên ngân hàng định giá rất thấp, kết quả là DN không tiếp cận nổi" - ông Hùng than thở.
Tương tự, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa tiếp tục thông báo dừng thêm hàng loạt tàu trên các tuyến Bắc - Nam vì dịch đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, khiến hành khách lo ngại. Ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội, cho biết quý I/2021, bình quân mỗi tháng, DN hoãn hợp đồng lao động, cho tạm ngừng việc tới 550 người, chấm dứt hợp đồng lao động với 66 người. "Kể từ đợt bùng dịch đầu năm đến nay, do không có nguồn hỗ trợ, chúng tôi chỉ trả lương ngừng việc đối với người lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch phải cách ly y tế. Còn lại công ty thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương" - ông Hiệp nói.
Cùng cảnh ngộ, các hãng hàng không đã phải tính toán cắt giảm bớt tần suất các chuyến bay và thu hẹp đường bay. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy nếu ngày 29-4, Vietjet Air khai thác 366 chuyến bay, vận chuyển hơn 60.000 khách thì đến 15-5 chỉ còn 61 chuyến bay, 8.000 khách. Vietnam Airlines khai thác hơn 420 chuyến bay và vận chuyển hơn 70.000 khách, đến ngày 15-5, con số này chỉ còn 45 chuyến bay, 6.000 khách. Các hãng khác như Bamboo Airway, Pacific Airlines, Vietravel Airlines và VASCO đều rơi vào tình trạng tương tự.
Hàng loạt xe khách chạy Bến Mỹ Đình đã dừng hoạt động vì vắng khách
Hàng loạt kiến nghị hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, hầu hết DN vận tải không thực hiện được các thủ tục để xin hỗ trợ vì không thể đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra.
Trong công văn gửi Thủ tướng, các hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM đã khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành chức năng triển khai một số giải pháp hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp các DN vận tải vượt qua những khó khăn hiện nay và sớm phục hồi hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, các hiệp hội kiến nghị giảm thuế GTGT về 0% trong thời gian 6 tháng cho các DN kinh doanh vận tải; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô đăng ký mới để kinh doanh vận tải; chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho DN, như giảm 3% - 5% lãi suất cho vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới để DN bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các hiệp hội cũng kiến nghị cho các DN được ngừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021. Đối với các DN còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị cho giãn nộp số nợ đến ngày 31-12-2021 (không tính lãi chậm nộp). Ngoài ra, kiến nghị cho các DN vận tải được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12-2021; điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho ôtô kinh doanh vận tải…
Trước những khó khăn của DN vận tải, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cho biết Bộ GTVT đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho DN và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng. Theo đó, đề xuất cho phép kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa. Hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán cho các DN. Đối với đường sắt, kiến nghị cho phép lùi thời gian thực hiện Nghị định số 65/2018 niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe thêm 3 năm...
Với DN vận tải, kiến nghị cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020 về mức thu một số khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021; kéo dài thời gian giảm 30% phí bảo trì đường bộ đối với xe khách và 10% với xe tải đến hết năm nay.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng nhất trí với kiến nghị giảm thuế GTGT về 0%, giảm 50% thuế thu nhập với DN bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch, cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến hết năm 2021. Bên cạnh đó, không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến.
Mong ngân hàng tiếp sức
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan (Thái Nguyên), cho biết vận tải có 3 loại chi phí lớn nhất là nhiên liệu, nhân công và lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay hầu như DN chưa nhận được gì từ các chính sách hỗ trợ. "Chúng tôi đã gửi văn bản phản ánh đến Ngân hàng Nhà nước về việc nhiều lần gửi văn bản cho ngân hàng thương mại đề xuất hỗ trợ giảm lãi, mời họ đến công ty kiểm tra tài sản chia sẻ khó khăn nhưng chưa nhận được phản hồi"- ông Hà cho biết và mong mỏi ngân hàng cần chia sẻ rủi ro với DN bằng việc giảm lãi suất 50% và giãn thời gian trả nợ gốc.
Xem thêm: mth.50941130262501202-91-divoc-iv-gnud-ueid-iat-nav-hnagn/et-hnik/nv.moc.dln