Chưa đủ căn cứ pháp lý để xử lý?
Sự việc nghệ sĩ (NS) Hoài Linh chậm giao số tiền hơn 13 tỷ đồng cho đồng bào bị lũ lụt miền Trung với lý do dịch Covid-19, luật sư có ý kiến như thế nào?
Sự việc này hiện đang được đăng tải tràn lan trên truyền thông. Việc bị dịch Covid-19 mà chậm trễ chưa mang tiền, hàng đi cứu trợ là bình thường. Nó thuộc về tình huống bất khả kháng.
Tuy nhiên, chúng ta phải rà soát lại 2 vấn đề về sự việc: Thứ nhất, thời điểm tháng 10 năm 2020 đến nay có hoàn toàn bị ngăn cách vì Covid-19 hay không?; Thứ hai, vì lý do bất khả kháng (nếu có) thì người nhận uỷ thác tiền đi cứu trợ có thông báo rộng rãi cho mọi người biết hay chỉ thông tin khi bị nhiều người lên tiếng?
Theo dõi thông tin những ngày qua, tôi thấy cả 2 vấn đề đặt ra, nghệ sĩ Hoài Linh đều không đúng, tức Covid-19 không hoàn toàn tạo ra tình huống bất khả kháng không đi cứu trợ được suốt một thời gian kéo dài gần 6 tháng và chưa có thông tin chính thức thông báo về việc chưa cứu trợ được trước khi dư luận lên tiếng.
Nhiều ý kiến cho rằng người vận động tiền phải đi cứu trợ trong thời hạn chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp, theo quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ. Vì vậy Hoài Linh cần phải bị xử lý vì không làm theo quy định này?
Tôi nói ngay rằng, nếu viện dẫn Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ vào trường hợp này là nhầm lẫn.
Nghị định số 64/2008/NĐ-CP là văn bản luật quy định chi tiết việc vận động và tiếp nhận trong cứu trợ, căn cứ vào 3 đạo luật gồm: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Luật Tổ chức Chính phủ.
Thực chất về nội dung là căn cứ vào Luật Ngân sách nhà nước, nên phạm vi điều chỉnh của nghị định không bao quát tới việc cá nhân tự vận động rồi mang tiền đi cứu trợ.
Cá nhân vận động như trường hợp NS Hoài Linh không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định, mà đây là quan hệ uỷ thác dân sự, tức người góp uỷ quyền cho người vận động mang tiền, hàng đi cứu trợ. Các nghĩa vụ của người mang đi giao thực hiện theo ý chí của người chuyển tiền, hàng và quy định pháp luật chung.
Cần phải nói rằng, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP hiện nay đã hết hiệu lực thi hành. Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ra đời căn cứ vào : Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999 và Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001.
Hiện, cả 3 đạo luật này đã hết hiệu lực và được thay thế bằng các luật khác. Nghị định hết hiệu lực theo nguyên tắc luật chính hết hiệu lực thì văn bản kèm theo (nghị định, thông tư) hết hiệu lực theo.
Tại Điều 38 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 hướng dẫn Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 nêu rõ “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực”.
Trường hợp này, cả 3 văn bản mà nghị định căn cứ đều hết hiệu lực nên rõ ràng Nghị định số 64/2008/NĐ-CP đương nhiên hết hiệu lực vào ngày 1/7/2017, ngày mà đạo luật sau cùng trong 3 đạo luật hết hiệu lực (Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002).
Vì vậy, tôi cho rằng viện dẫn Nghị định số 64/2008/NĐ-CP vào trường hợp NS Hoài Linh là lầm lẫn, vừa không thuộc phạm vi điều chỉnh, vừa đã hết hiệu lực.
"Có tội" với người dân vùng lũ và người quyên góp
Như vậy, trường hợp “ém lại” chậm trễ chuyển giao tiền hàng cứ trợ thì bị xử lý ra sao? Nhiều ý kiến cho rằng trường hợp NS Hoài Linh có dấu hiệu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, LS có ý kiến như thế nào?
Tôi cũng mới đọc một số ý kiến trên báo, trên mạng xã hội, cho rằng hành vi của Hoài Linh có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cá nhân tôi cho rằng, nói như thế là quá, là chưa tìm hiểu rõ quy định tội phạm. Sao có thể có căn cứ xử lý hình sự NS Hoài Linh trong trường hợp giữ hơn 13 tỷ chưa cứu trợ này?
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định “Người nào vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; Hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”.
Điều luật đã nêu rõ yếu tố không trả lại, hoặc không có khả năng trả lại. Tức chỉ khi người chuyển giao tiền đòi lại mà người giữ tiền không trả mới đề cập tới khả năng “lạm dụng tín nhiệm”. Trong khi NS Hoài Linh chỉ mới chậm cứu trợ, thì sao có thể đặt vấn đề hình sự ở đây.
Tuy vậy, việc không thực hiện cứu trợ đúng thời điểm là không giữ uy tín, là bội ước với những người uỷ thác tiền đi cứu trợ. Những người chuyển tiền trong trường hợp này có thể yêu cầu trả lại cho họ vì không làm đúng mục đích mà họ chuyển tiền là cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung.
Trong hoạt động từ thiện, luôn có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Người ta góp tiền để chuyển cho bà con lũ lụt vào tháng 11 năm 2020. Thời điểm đó, các nạn nhân vùng lũ rất cần. Vì tính thời điểm cần thiết nên người ủng hộ mới gửi tiền cho Hoài Linh. Thử hỏi bây giờ nghệ sĩ kêu gọi ủng hộ tiền để mai mốt tới gần cuối năm có lũ sẽ đưa đi cứu trợ, hoặc kêu gọi rồi hứa sau lũ nhiều tháng mang đi, thử hỏi có ai góp không?
Tôi nghĩ rằng từ sai lầm này của NS Hoài Linh, sau này nhiều nghệ sĩ cần rút kinh nghiệm. Nếu không có thời gian đi kịp thời thì không nên nhận tiền cứu trợ, vì như thế sẽ có tội với bà con đang lâm nạn đói khổ giữa thời khắc lũ lụt.
Xin cảm ơn luật sư!