15 học sinh đến từ thư viện Ô cửa sách đã đến ăn phở tại sự kiện cộng đồng nhân dịp Ngày của phở 12-12. Các em mang theo giấy vẽ, bút màu, quan sát mọi thứ diễn ra xung quanh rồi bắt đầu vẽ theo cảm nhận, suy nghĩ của mình và hoàn tất chỉ trong buổi sáng.
Vẽ bát phở ngon nhất ăn cùng bạn
Khoe bức tranh vừa vẽ cho chúng tôi xem, em Hà Thụy Tú Uyên (học sinh lớp 8 Trường THCS Tây Sơn, Đà Lạt) cho biết rất vui khi được tham gia vẽ tranh tặng khách mời chương trình cộng đồng nhân Ngày của Phở 12-12.
Uyên đến từ sớm, đi vòng quanh gặp nhiều bạn cùng trang lứa có hoàn cảnh khó khăn và xúc động khi gặp các bạn. Nhìn các bạn ăn ngon lành tô phở khiến mình có cảm xúc lạ lẫm nên Uyên đã vẽ bức tranh mô tả cảnh các bạn ăn phở với ánh mắt tươi vui.
Uyên nói: "Em hay nấu phở cùng ba. Mỗi khi nhà muốn đổi vị thì ba lại nấu phở. Hôm qua em bị sốt nên không dự được lớp nấu phở. Tiếc thật. Nếu em được học thì em không còn phụ ba nữa, mà sẽ cùng ba nấu phở cho cả nhà cùng ăn".
Còn em Lê Sinh Hùng (học sinh lớp 8 Trường trung học cơ sở Quang Trung) sau khi ăn 3 tô phở nhỏ đã vẽ bức tranh tươi vui về em bé và tô phở. Hùng vui vẻ nói phở ngon hơn những cuối tuần được đi ăn với ba mình. "Thịt bò, nước phở do các cô chú nấu tại chương trình ngon quá.
Con có hỏi các bạn ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, bạn kể bạn không thường được ăn phở vì hoàn cảnh đặc biệt của mình. Con thương bạn nên con vẽ bạn với bát phở ngon nhất mà bạn và con cùng được ăn", Hùng chia sẻ.
Trong khi đó, Xuân Như Ý (12 tuổi, học sinh Trường THCS & THPT Chi Lăng) cho biết mình ít được ăn phở, nhưng thích nên mỗi lần ăn tận 2 tô. Như Ý vẽ về tô phở tiêu chuẩn thông qua trải nghiệm của em. Ý kể, món phở thân quen nên khi vẽ thực hiện rất nhanh.
"Tới đây em mới biết tiêu chuẩn của em thiếu. Bát phở và chén chấm là chưa đủ, còn một chén tương xay do quán phở tự làm nữa. Các cô chú nói chén tương trên bàn phở cũng đặc sắc không kém món phở", Như Ý chia sẻ.
Cô bé tâm sự thêm: "Ăn xong còn thấy hơi buồn vì biết nhiều bạn còn khó khăn hơn mức con tưởng tượng. Có bạn không có cha, có mẹ. Có bạn phải đi học xa ba mẹ từ khi con nhỏ. Con muốn được giúp đỡ các bạn".
Mỗi bức tranh là một câu chuyện
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị Vũ Thị Thanh Tâm (sinh năm 1986), sáng lập và quản lý thư viện Ô Cửa Sách - cho biết đối với sự kiện phở hôm nay, dù nhận được lời mời gấp rút từ báo Tuổi Trẻ, nhưng với chủ trương cứ có bất cứ hoạt động nào thì cũng cho các con đi trải nghiệm, nhất là hoạt động ý nghĩa để tôn vinh văn hoá Việt Nam như sự kiện phở hôm nay, chị vẫn cố gắng thu xếp cho các bé chuẩn bị tham gia.
"Trước khi đi, tôi cũng có thông báo với các con về hoạt động hôm nay để các con tìm hiểu trước. Trên xe điện, cô trò cũng đã trò chuyện về phở. Và sau hôm nay sẽ cho các con sáng tác những câu chuyện về phở", chị Tâm chia sẻ.
Chị tâm sự thêm điểm đặc biệt trong bức tranh là mỗi bạn nhỏ dưới sự tưởng tượng của bản thân sẽ kể câu chuyện của riêng mình.
Tranh của các con luôn chứa một câu chuyện nào đó. "Ví dụ có một bức tranh là quán phở nằm giữa sa mạc, có người ngoài hành tinh đến ăn phở. Mình hỏi là vì sao con vẽ như vậy, bé nói là phở nổi tiếng đến mức ở sa mạc cũng có quán phở, và người ngoài hành tinh cũng biết đến phở. Đó là ý tưởng rất hồn nhiên và ngộ nghĩnh của bé", chị tâm sự.
Theo chị, thông qua những bức tranh và câu chuyện về phở được tự thể hiện theo góc nhìn của mình, các em nhỏ sẽ biết cách tìm hiểu và trân trọng nền văn hoá, ẩm thực Việt Nam.
Một số tranh vẽ của các em nhóm Ô cửa sách về chương trình cộng đồng nhân ngày của phở tại Đà Lạt:
Tặng số tiền trích từ bán vé tại Nhật
Nhân 7 năm Ngày của phở 12-12, báo Tuổi Trẻ tổ chức hoạt động cộng đồng "Phở về với trẻ vùng cao" tại Trường đại học Đà Lạt từ ngày 9 đến 10-12, với sự đồng hành của Acecook Việt Nam.
Đầu bếp các quán phở, Hoa hồi vàng, Hoa hồi bạc các năm như Nguyễn Tự Tin, Nguyễn Tiến Hải, Cao Văn Luận, Vũ Thị Đào... cùng các thương hiệu phở nổi tiếng như Phở Dậu, Phở Hai Thiền, Phở'S, Phở Xưa Đào Thị, Phở Atiso, Phở Đệ Nhất... sẽ mang những tinh túy từ món ăn được cho là quốc hồn quốc túy của dân tộc đến thành phố ngàn hoa trong mùa đông năm nay.
Bên cạnh mục tiêu giới thiệu và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa văn hóa ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là món phở, chương trình còn hướng tới việc hỗ trợ và chia sẻ cho các em nhỏ kém may mắn tại các đơn vị: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, Làng trẻ SOS Đà Lạt, Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng, Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng.
Với 200 suất học bổng và những phần quà ý nghĩa cùng hàng trăm bát phở ấm nóng sẽ được trao tặng đến các em. Các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ cùng các trò chơi, hoạt náo và phiên chợ 0 đồng cũng sẽ được ban tổ chức thiết kế dành tặng riêng cho các em dịp này.
Ngoài ra, ban tổ chức còn phục vụ hàng nghìn suất phở ấm cho đội ngũ giảng viên, cán bộ nhân viên, sinh viên Trường đại học Đà Lạt và giáo viên, cán bộ nhân viên của bốn cơ sở xã hội trên.
Chương trình còn có sự hỗ trợ của Trường đại học Đà Lạt, anh chị em nghệ sĩ: nghệ sĩ Thanh Bạch, hoa hậu Ngọc Hân, hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Bùi Quỳnh Hoa, hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam Kim Ngân, ca sĩ - nhạc sĩ Hoàng Luân, ca sĩ Lê Thu Hiền, Thu Minh, X-Mile Band, MC Anh Đào, Thiên Ân, cùng các đơn vị: Suntory Pepsico và cà phê Là Việt để đem đến cho các em cùng người dân Đà Lạt những hoạt động, tiết mục văn nghệ hết sức thú vị và ấm áp.
Cũng trong chương trình, ban tổ chức đã trao tặng số tiền trích từ bán vé tại Nhật (100 yen/vé, tổng cộng 75 triệu đồng) cho 4 đơn vị là Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, Làng trẻ SOS Đà Lạt, Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng, Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng.
Sáng 10-12, chương trình cộng đồng nhân Ngày của phở 12-12 đã chính thức bắt đầu bên trong khuôn viên Trường đại học Đà Lạt.