'Cuộc chơi' mới của Tài chính Điện lực
Hải Lý
(KTSG) - Giá cổ phiếu của nhóm chứng khoán, ngân hàng đã ở một tầm cao mới sau khi VN-Index vượt xa mốc 1.200 điểm, tuy nhiên vẫn còn đó không ít cổ phiếu bị lãng quên.
Cổ phiếu của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVF) là một trường hợp như vậy. Với vốn điều lệ 2.652 tỉ đồng, giá trị sổ sách gần 14.300 đồng/cổ phiếu, lợi nhuận sau thuế quí 1-2021 đạt 118 tỉ đồng, nợ xấu thấp, Tài chính Điện lực có một bảng cân đối tài chính lành mạnh hơn không ít ngân hàng nhỏ. Cho đến ngày 24-5-2021 thị giá của EVF vẫn chỉ nhỉnh hơn mệnh giá.
Cuối tháng 4-2021 EVF đã công bố nghị quyết của đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua việc chi trả cổ tức 15% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2018 và 2019 để tăng vốn, đồng thời chi trả cổ tức 6,5% cho năm 2020. Trong vòng năm năm trở lại đây, năm nào EVF cũng có lãi ròng trên 200 tỉ đồng/năm, và các năm trở về trước EVF hầu như chưa bao giờ lỗ.
Với cơ cấu cổ đông đại chúng (tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm giữ 7,5% cổ phần; Ngân hàng An Bình sở hữu dưới 5%; Công ty Tư vấn và Đầu tư Thiên Triều ARIA 5%, còn lại là cổ đông nhỏ lẻ) EVF dễ dàng lọt vào tầm ngắm của các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Cơ quan quản lý từ lâu đã không cấp giấy phép thành lập mới và hoạt động cho các công ty tài chính. Mức vốn hóa thị trường hiện tại của EVF, rõ ràng, rất hấp dẫn đối với giới đầu tư chỉ xét riêng về khía cạnh giấy phép thành lập và hoạt động, chưa đề cập đến các chức năng khác cũng như khả năng gọi vốn đầu tư nước ngoài để mở rộng các ngành nghề kinh doanh khác bên cạnh hoạt động cấp tín dụng, thu xếp vốn.
Một điểm đáng quan tâm là các công ty tài chính nội có thể bán tới 49% vốn cho nước ngoài, chứ không bị hạn chế room ở mức 30% như ngân hàng thương mại.
Ngoài cán bộ công nhân viên, hai cổ đông sáng lập chính của EVF là EVN và Ngân hàng An Bình. Theo thời gian, hai cổ đông này đã thoái dần vốn. Có những đợt EVN thoái được vốn ở mức giá cao gấp đôi, gấp rưỡi thị giá trên sàn.
Có thể thấy các nhóm nhà đầu tư cá nhân mua lại cổ phần EVF từ EVN và Ngân hàng An Bình đã “theo đuổi” công ty tài chính này từ lâu. Trong đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua nhóm cổ đông đại diện cho 11,5% cổ phần EVF đã cử một thành viên vào hội đồng quản trị. Đồng thời một nhóm cổ đông đại diện cho 11,28% cổ phần công ty đã cử một thành viên không chuyên trách vào ban kiểm soát. Cả hai đều đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
EVF đã có kế hoạch chuyển niêm yết về HOSE ngay khi việc nghẽn lệnh trên sàn TPHCM được giải quyết triệt để. Trong giai đoạn 2021-2023 hội đồng quản trị EVF định hướng doanh nghiệp trở thành công ty tài chính công nghệ, kết hợp với Viettel, VinGroup, EVN và các nền tảng bán hàng trực tuyến để triển khai các sản phẩm tài chính công nghệ, tài chính bán lẻ ứng dụng công nghệ (cho vay tiệm tạp hóa, hộ kinh doanh cá thể...), kết hợp các hệ sinh thái có số lượng người dùng lớn.
Xem thêm: lmth.cul-neid-hnihc-iat-auc-iom-iohc-couc/446613/nv.semitnogiaseht.www