Phản ứng trước việc chính quyền Mỹ yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra sâu hơn về nguy cơ virus gây nên đại dịch COVID-19 rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, một tờ báo Trung Quốc đã đề nghị thực hiện cuộc điều tra tương tự tại phòng thí nghiệm sinh học Mỹ ở Fort Detrick, bang Maryland.
“Nếu họ coi khả năng 'virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm' là một trong những hướng điều tra đúng, vậy thì Viện Virus học Vũ Hán không nên là cơ sở duy nhất cần phải được điều tra" - theo tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), một trong những cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Kể từ năm 2019, phòng thí nghiệm sinh học ở Fort Detrick đã có nhiều dấu hiệu đáng được để ý đến và nên được đưa vào nhóm mục tiêu được điều tra đầu tiên. Ngoài ra, Mỹ cũng đã xây dựng một số lượng đáng kinh ngạc các cơ sở nghiên cứu sinh học ở châu Á, và việc điều tra những cơ sở này là một việc cần phải làm cấp bách trong quá trình truy tìm nguồn gốc đại dịch COVID-19” - các biên tập viên của tờ báo nhận định.
“Nếu nỗ lực truy tìm nguồn gốc virus tập trung vào vấn đề khoa học hơn là chính trị, thì việc mở rộng phạm vi điều tra là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, Mỹ cùng các đồng minh đang liên tục tìm cách thu hút sự chú ý đến Vũ Hán, đặc biệt là phòng thí nghiệm ở đó. Đây rõ ràng là một động thái chính trị” - theo bài viết trên tờ báo.
Tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đề nghị điều tra phòng thí nghiệm sinh học Mỹ ở Fort Detrick, bang Maryland. Ảnh: SPUTNIK
Theo tờ báo, mức độ lây lan của dịch bệnh ở Vũ Hán cũng đã xảy ra tương tự ở Mỹ và khả năng virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Fort Detrick cũng có thể xảy ra.
Thời Báo Hoàn Cầu cũng bày tỏ sự nghi ngờ khi trước đây Mỹ cũng đã từng báo cáo các ca "cúm" nghiêm trọng: "Liệu việc này có liên quan đến đại dịch COVID-19 hay không?".
Fort Detrick từng là trung tâm phụ trách chương trình vũ khí sinh học của Mỹ và hiện là nơi để nghiên cứu một số căn bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới, bao gồm bệnh đậu mùa, sốt xuất huyết và bệnh liên quan đến virus như ebola.
Fort Detrick đã bị đóng cửa nhiều lần trong những năm qua, bao gồm vụ việc năm 2009 khi cơ sở này bị phát hiện đang lưu trữ nhiều loại vi khuẩn, virus và độc tố nguy hiểm không có trong danh sách kê khai, hãng Sputnik đưa tin.
Phòng thí nghiệm này bị đóng cửa một lần nữa vào năm 2019 khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ban lệnh “ngừng hoạt động và hủy bỏ” sau khi phát hiện các biện pháp xử lý chất thải của phòng thí nghiệm không bảo đảm an toàn.
Đoàn chuyên gia WHO từng đến TP Vũ Hán, Trung Quốc vào đầu năm để điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19. Ảnh: AP
Trước đó, vào ngày 25-5, Ủy ban Tình báo Thượng viện và Uỷ ban Tình báo Hạ viện Mỹ thông báo đang tự tiến hành điều tra nguồn gốc virus gây nên đại dịch COVID-19, cũng như cách chính phủ Mỹ phản ứng với cuộc khủng hoảng này.
Theo đó, các quan chức Mỹ lo ngại rằng "sự thiếu hợp tác và thiếu minh bạch trong các thông tin mà chính quyền Trung Quốc cung cấp sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến mọi nỗ lực xác định nguồn gốc của virus gây nên đại dịch COVID-19".
Chính quyền Mỹ đã liên tục kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra khác về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 trước việc Trung Quốc luôn bác bỏ khả năng virus rò rỉ từ một trong các phòng thí nghiệm của nước này, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Phát biểu trước cuộc họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) hôm 25-5, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Xavier Becerra khẳng định các nghiên cứu trong tương lai về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 cần phải được minh bạch và tôn trọng quyền hoạt động độc lập của các nhà khoa học.
Đoàn chuyên gia WHO đến TP Vũ Hán, Trung Quốc hồi đầu năm để điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19. Ảnh: AP
Mặc dù không đề cập trực tiếp Trung Quốc, song phát biểu của ông Beccera được coi là lời chỉ trích nhắm đến vai trò Trung Quốc trong sứ mệnh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc xác định nguồn gốc dịch bệnh tại Vũ Hán hồi đầu năm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 24-5 đã một lần nữa bác bỏ ý kiến cho rằng virus gây nên dịch COVID-19 có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, khẳng định "không có vụ rò rỉ" nào xảy ra.
“Nhóm chuyên gia của WHO đã đến điều tra tất cả những nơi họ muốn đến, phỏng vấn bất kỳ ai họ yêu cầu và đều hài lòng với kết quả thu thập được” - ông Triệu nói.
Trong bài đăng trên tạp chí Science vào ngày 14-5, 18 nhà khoa học, bao gồm cả các nhà virus học hàng đầu thế giới, đều cho biết báo cáo của nhóm chuyên gia WHO sau chuyến điều tra ở Trung Quốc đã không thật sự "cân nhắc" đủ trước khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.