Đó là khẳng định của ông Stuart Livesey - tổng giám đốc dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, kiêm trưởng đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) của Đan Mạch tại Việt Nam - khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
Ông nhấn mạnh giá điện tái tạo ở một số quốc gia giảm mạnh sau khi thúc đẩy thị trường điện tái tạo phát triển.
Nhiều lợi ích, giúp kéo giảm giá điện tái tạo
Ông Stuart Livesey nói:
- Việc áp dụng cơ chế DPPA sẽ giúp thị trường điện minh bạch, kéo giá điện tái tạo giảm xuống, đáp ứng nhu cầu dùng năng lượng xanh của các doanh nghiệp (DN) và đặc biệt là sẽ góp phần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư FDI.
* Việc đưa vào áp dụng cơ chế DPPA này vì sao lại hấp dẫn các nhà đầu tư, thưa ông?
- Cách đây bảy năm, khi chưa có nhiều dự án điện tái tạo, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng cơ chế DPPA.
Tuy nhiên đến nay, khi số lượng các nhà máy năng lượng tái tạo bùng nổ, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế DPPA.
Trong khi đó, các nhà đầu tư rất nóng lòng được chờ cơ chế này bởi các DN mua điện mong muốn tìm kiếm nguồn năng lượng sạch, ổn định nhằm phục vụ sản xuất.
Đã có trường hợp DN sản xuất tại Việt Nam lo ngại về việc thiếu năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh, nên đã tìm cách dịch chuyển sản xuất sang các thị trường khác trong khu vực.
Do vậy, theo tôi, Việt Nam cần thúc đẩy năng lượng xanh mạnh mẽ và nhanh hơn nữa, xóa bỏ các rào cản pháp lý và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đảm bảo dự án điện tái tạo được triển khai kịp thời và có thể thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Cơ chế DPPA không chỉ mang lại lợi ích lớn cho thị trường điện Việt Nam mà còn hỗ trợ hiệu quả trong việc thu hút vốn FDI của những nhà đầu tư muốn xây dựng nhà máy hoặc mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam.
* Một trong những vấn đề cần quan tâm là chi phí mua bán điện, bài toán về giá điện thông qua cơ chế DPPA cần được giải quyết ra sao?
- Nếu so với giá năng lượng hóa thạch, điện mặt trời và thủy điện trên bờ có chi phí thấp hơn, điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi ở một số thị trường như Bắc Âu cũng có chi phí thấp hơn năng lượng hóa thạch.
Hơn nữa, khi thị trường điện tái tạo phát triển, cơ chế pháp lý hoàn thiện và rõ ràng, chuỗi cung ứng trong nước phát triển, giá điện sẽ giảm tương ứng.
Chẳng hạn tại Anh, giá điện gió ngoài khơi đã giảm hơn 70% kể từ khi thị trường hình thành, giúp điện gió ngoài khơi trở thành loại năng lượng có giá rẻ nhất.
Tại thị trường Đài Loan, chi phí đã giảm khoảng 60% trong thời gian ngắn do công nghệ được cải thiện nhanh chóng.
Các thị trường trên đều thúc đẩy các dự án thí điểm và thiết lập cơ chế DPPA như một hình thức bổ sung cho các dịch vụ truyền tải điện hiện có, cho phép các DN tư nhân tiếp cận trực tiếp với năng lượng xanh ở mức giá đã thỏa thuận trước trong vòng 10 - 30 năm.
Giúp EVN giảm đầu tư
* Vậy để xây dựng và triển khai thành công cơ chế DPPA ở Việt Nam, cần phải lưu ý những điều gì?
- Theo tôi, cần có khung pháp lý rõ ràng và minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi và quản lý thỏa thuận thương mại này, cho phép mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện quốc gia giữa đơn vị phát điện và đơn vị mua điện.
Đơn vị truyền tải điện cần cung cấp giá truyền tải và phân phối điện một cách minh bạch, đồng thời đảm bảo rằng cơ chế điều chỉnh các mức giá này được giữ ổn định trong khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra, đơn vị mua điện và đơn vị sản xuất điện được tạo điều kiện để có thể trực tiếp đàm phán về giá và các điều khoản của cơ chế DPPA mà không có bất kỳ hạn chế nào.
Việc triển khai cơ chế DPPA mang đến những lợi ích như hỗ trợ nhu cầu dùng năng lượng xanh của những DN sản xuất đang hoạt động tại Việt Nam hoặc những DN có kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Cơ chế này cũng giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng như trạm biến áp và đường dây truyền tải để nâng cấp lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thông thường.
* Với trường hợp công suất nguồn điện từ nhà máy điện tái tạo không ổn định hoặc không đủ cung cấp cho bên mua điện, cơ chế này liệu có gặp vướng?
- Để giải quyết vấn đề này cần có sự phối hợp với giữa đơn vị phát điện và đơn vị truyền tải điện, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh điện tái tạo có đặc thù sản lượng chỉ ổn định ở mức tương đối.
Khi đó, năng lượng có thể truyền từ lưới điện đến nhà máy dùng điện trong thời điểm sản lượng điện tái tạo thấp, ngược lại năng lượng có thể truyền từ đơn vị phát điện đến lưới điện khi dư thừa. Hoạt động này khá phổ biến trên thế giới, ở một mức độ nào đó cũng xảy tương tự với năng lượng hóa thạch.
Các nhà phát triển năng lượng cũng xem xét tận dụng cơ sở hạ tầng hỗ trợ như công nghệ chuyển đổi năng lượng như lưu trữ điện, hydro/amoniac xanh, thủy điện tích năng... để bổ sung cho những nơi có công suất phát điện thấp.
Với các thị trường yêu cầu công suất cố định trong mua bán điện trực tiếp, các nhà phát triển có thể xem xét lắp đặt tuốc bin gió hoặc tấm pin mặt trời nhiều hơn cần thiết, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu trong cơ chế DPPA và phần dư thừa nếu có sẽ được bán vào lưới điện với mức giá theo hợp đồng hoặc giá thị trường tại thời điểm đó.
* Ông Phạm Đăng An (phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group):
Mang lại nhiều lợi ích cho các bên
Cơ chế DPPA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia, bao gồm cả khách hàng, nhà đầu tư phát triển điện cũng như nền kinh tế.
Bởi nó sẽ cho phép các DN lớn được mua điện tái tạo phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng các cam kết về dùng điện sạch, giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phát triển thông qua hợp đồng song phương dài hạn.
Tại dự thảo về cơ chế DPPA, do Bộ Công Thương xây dựng, có hai phương án bán điện được đưa ra, đó là bán trực tiếp hoặc bán gián tiếp qua EVN.
Theo tôi, sẽ không có nhiều DN chọn phương án bán trực tiếp rào cản về chi phí đầu tư cũng như kinh nghiệm vận hành truyền tải. Thay vào đó, các đơn vị phát điện từ điện tái tạo và khách hàng lớn mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia của EVN và các công ty thành viên sẽ đóng vai trò nhà cung ứng dịch vụ thay vì là người bao tiêu.
EVN có thể đảm bảo về khả năng truyền tải để đủ sản lượng điện từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ theo đúng hợp đồng. Điều quan trọng là có chính sách rõ ràng và các bên cùng ngồi với nhau, đưa ra các cam kết rõ ràng để việc thực thi cơ chế DPPA được hiệu quả, mang lại lợi ích hài hòa cho mỗi bên.
* Ông Chung Diệu Tuấn (giám đốc điều hành Công ty CP đầu tư Copper Mountain Energy Solar - CME Solar):
Bước phát triển mới của thị trường điện
Cơ chế DPPA sẽ là bước phát triển mới thị trường điện với sự tham gia ngày càng đa dạng của nhiều thành phần với tư cách của bên mua, bên bán, bên truyền tải điện, điều tiết điện...
Sự phát triển của thị trường này sẽ giúp hình thành thị trường điện ngày càng cạnh tranh, giúp tối ưu hóa chi phí, huy động nguồn lực đầu tư vào điện tái tạo.
Các cơ quan quản lý đã dự thảo xây dựng cơ chế thí điểm DPPA với quy mô và thời hạn nhất định. Theo đó, quy định bên mua và bên bán điện được thỏa thuận trực tiếp với nhau, việc truyền tải thực hiện qua đường dây của EVN.
Đây là hướng tiếp cận thận trọng, phù hợp để đánh giá tác động và hoàn thiện trước khi đưa vào áp dụng ở quy mô rộng. Theo tôi, vẫn còn một số vấn đề về pháp lý cần tiếp tục được hoàn thiện, nên cơ quan chức năng phải cân nhắc lựa chọn phương án có tính khả thi cao.
Trong đó, quan trọng là đặt nền tảng cho việc mua bán điện trực tiếp giữa bên phát điện và bên dùng điện, phần bù đắp chi phí truyền tải và các chi phí liên quan khác được thanh toán theo cơ chế chênh lệch với giá mua bán điện với EVN.
Việc xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các nhà máy năng lượng tái tạo với các khách hàng dùng điện lớn (DPPA) đã được triển khai từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Và Bộ Công Thương đang gấp rút xây dựng cơ chế này.