Tập đoàn dầu khí Shell bị tòa án Hà Lan yêu cầu giảm khí thải carbon
Lê Linh
(KTSG Online) - Một tòa án tại Hà Lan đã ra phán quyết buộc Tập đoàn dầu khí Shell phải chịu một phần trách nhiệm về biến đổi khí hậu và yêu cầu Shell giảm lượng khí thải carbon. Phán quyết này sẽ đặt ra một tiền lệ pháp lý có thể gây sức ép mới đối với các “ông lớn” dầu khí trên toàn cầu, vốn đang phải đối mặt với sự giám sát gắt gao từ chính phủ và các nhà đầu tư.
Lần đầu tiên một tập đoàn dầu khí phải thay đổi chiến lược khí hậu
Theo nội dung phán quyết của tòa án quận thuộc TP The Hague đưa ra hôm 26-5, đến năm 2030, Shell phải giảm 45% lượng khí thải carbon so với mức của năm 2019. Điều này phù hợp với hướng dẫn của Liên Hợp Quốc đối với các quốc gia thành viên nhằm ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C, cao hơn so với thời kỳ công nghiệp. Mức giảm 45% cao hơn mục tiêu giảm 20% khí thải carbon vào năm 2030 mà Shell đang đặt ra.
Các nhà hoạt động môi trường chia sẻ niềm vui sau khi tòa án ở The Hague ra phán quyết buộc Tập đoàn dầu khí Shell phải giảm lượng khí thải carbon xuống 45% vào năm 2030 so với mức của năm 2019. Ảnh: Getty |
Các luật sư cho biết phán quyết trên, dù chưa phải là cuối cùng vì Shell có khả năng kháng cáo lên tòa cấp cao hơn, có thể tạo tiền lệ ở các khu vực tài phán phương Tây khác, đặc biệt là ở châu Âu, khiến các công ty dầu khí đối mặt với rủi ro pháp lý mới về lượng khí thải carbon của họ.
Tuy nhiên, tòa án ở The Hague không nêu ra cách mà Shell có thể cắt giảm khí thải carbon hoặc cách mà tòa giám sát hoặc thực thi phán quyết này.
Đơn kiện yêu cầu Shell giảm khí thải carbon được 7 tổ chức vận động bảo vệ môi trường, thay mặt cho 17.200 công dân Hà Lan nộp ra tòa hồi tháng 4-2019. Vụ kiện được đưa ra xét xử vào tháng 12 năm ngoái tại The Hague. Shell có hai trụ sở tại The Hague và London (Anh).
Đây là lần đầu tiên các tổ chức vận động bảo vệ môi trường kiện một công ty năng lượng lớn ra tòa để yêu cầu thay đổi chiến lược biến đổi khí hậu. Tổ chức Những người bạn của Trái Đất - Hà Lan, một chi nhánh địa phương của tổ chức Những người bạn của Trái Đất quốc tế (Friends of the Earth International), có trụ sở tại TP Amsterdam, là bên dẫn đầu vụ kiện dân sự chống lại Shell. Họ cáo buộc hoạt động sản xuất dầu và khí thiên nhiên của Shell góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, điều này vi phạm nghĩa vụ pháp lý về việc ngăn chặn tác động của biến đối khí hậu đối với con người. Vì vậy, tổ chức này yêu cầu tòa án buộc Shell phải giảm lượng khí thải carbon.
Tòa cho rằng Shell chưa vi phạm nghĩa vụ giảm lượng khí thải carbon nhưng việc vi phạm sắp xảy ra và do đó, yêu cầu tập đoàn này cắt giảm khí thải carbon. Shell lập luận rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề xã hội rộng lớn hơn và việc yêu cầu một bên tư nhân giảm lượng khí thải carbon là không phù hợp.
Người phát ngôn của Shell cho biết sẽ kháng cáo phán quyết “gây thất vọng” trên. “Chúng tôi đã đầu tư hàng tỉ đô la vào năng lượng carbon thấp bao gồm hạ tầng trạm sạc xe điện, nhiên liệu hydrogen, năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học. Chúng tôi muốn phát triển nhu cầu đối với những sản phẩm này và mở rộng các mảng kinh doanh năng lượng mới thậm chí nhanh hơn”, người phát ngôn cho biết
Đánh dấu bước ngoặt lịch sử
Phán quyết mang tính cột mốc này được đưa ra giữa lúc các doanh nghiệp phát thải carbon lớn nhất thế giới đang chịu sức ép ngày càng lớn về việc đặt ra các mục tiêu cắt giảm khí thải độc hại này trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng khí hậu không thể đảo ngược.
Một nhà máy hóa dầu Shell Pernis của Tập toàn Shell ở Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: Getty |
Tòa án ở The Hague cho rằng, mô hình kinh doanh của Shell gây nguy hiểm cho quyền và tính mạng con người vì đã áp đặt mối đe dọa cho các mục tiêu được đặt ra trong Thỏa thuận khí hậu Paris được thông qua vào năm 2015. 195 nước đã ký kết thỏa thuận Paris và nhất trí với một khung lộ trình để ngăn ngừa nhiệt độ trái đất tăng hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, dù thỏa thuận này đặt mục tiêu ngăn nhiệt độ trái đất tăng vượt 1,5% độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Roger Cox, luật sư đại diện cho các tổ chức bảo vệ môi trường trong vụ kiện, nói rằng phán quyết trên đánh dấu “một bước ngoặt lịch sử” và có thể dẫn đến các hậu quả lớn cho những công ty gây ô nhiễm môi trường khác
Trong khi đó, Sara Shaw, điều phối viên chương trình quốc tế về năng lượng và công lý khí hậu của Friends of the Earth International cho biết, tổ chức này hy vọng phán quyết trên sẽ “kích hoạt một làn sóng kiện tụng về khí hậu chống lại những doanh nghiệp gây ô nhiễm lớn để buộc họ ngừng khai thác và đốt nhiên liệu hóa thạch”.
Mark van Baal, người sáng lập tổ chức Follow This, đại diện cho hơn 6.000 cổ đông ở các công ty dầu khí trên toàn cầu cho rằng, phán quyết đối với Shell cho thấy các “ông lớn” dầu khí không còn có thể thoái thác vai trò quan trọng mà họ phải thể hiện trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Liz Hypes, nhà phân tích ở hãng tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft nhận định, vụ kiện này thực sự mở ra những thách thức đối với các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng khác. Bà nói rằng các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp, vận tải và khai khoáng đều có thể đối mặt với những vụ kiện tương tự.
Tại đại hội thường niên của Shell vào tuần trước, các cổ đông đã bỏ phiếu tán thành kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Shell nhưng một nhóm cổ đông thiểu số bác bỏ chiến lược này vì cho rằng Shell cần làm nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chiến lược khí hậu hiện tại của Shell khẳng định tập đoàn này sẽ đưa lượng khí thải carbon về mức zero ròng vào năm 2050 và sẽ cắt giảm 45% lượng phát thải carbon vào năm 2035. |
Theo Wall Street Journal, CNBC