Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện, không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự.
Chiếm đoạt tiền từ kêu gọi từ thiện
Như Lao Động đưa tin, hôm 23.5, Phòng Cảnh hình sự Công an tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ Lại Xuân Đạt (28 tuổi, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về việc đăng lên tài khoản xã hội, nói dối về hoàn cảnh khó khăn, để lừa đảo người hảo tâm gửi tiền cho mình
Đạt có hành vi lừa đảo, bằng thủ đoạn lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp xảy ra tại địa bàn các Khu công nghiệp ở huyện Việt Yên. Cụ thể, Đạt giả danh công nhân đang gặp hoàn cảnh éo le, đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội Facebook để kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ của những người hảo tâm, chiếm đoạt tài sản.
Cuối tháng 4, anh ta mua một chiếc điện thoại và đăng nhập tài khoản Facebook “Hoài Khánh”. Sau khi dịch bệnh bùng phát ở khu công nghiệp Vân Trung, ngày 18.5, Đạt dùng tài khoản trên, đăng tải thông tin sai sự thật với nội dung: Anh ta và vợ từ Sơn La xuống làm công việc thời vụ.
Cả hai vợ chồng Đạt bị công ty cho nghỉ việc, bị cách ly, không có tiền trang trải sinh hoạt nên cần mọi người giúp đỡ. Từ đó, nhiều người đã chuyển khoản cho Đạt, với tổng số tiền 2,7 triệu đồng. Anh ta chiếm đoạt số tiền này, chi tiêu cá nhân.
Một vụ lợi dụng kêu gọi từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra ở tỉnh Hà Nam cũng được Công an tỉnh này triệt phá. Đối tượng cầm đầu là Trần Văn Lâm (23 tuổi, ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã bị khởi tố, tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, vào cuối tháng 4 vừa qua.
Từ tháng 9.2020, Lâm đã lập ra Fanpage “Hỗ trợ trẻ em” đăng gần 250 bài viết kêu gọi các cá nhân ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Có tới hàng nghìn người gửi từ 50.000 đến 5 triệu đồng cho Lâm. Tính đến tháng 3.2021, tổng số tiền của các nhà hảo tâm gửi vào tài khoản của Lâm là hơn 6,6 tỉ đồng.
Ngoài ra Lâm còn khai lập thêm 7 Fanpage như “Chia sẻ vì người nghèo”, “Hỗ trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”… nhằm hỗ trợ hoạt động lừa đảo.
Qua các bài viết từ các Hội, Nhóm từ thiện trên mạng xã hội và trên các báo điện tử, sau đó thêm số điện thoại của Lâm tại một ngân hàng lớn đế nhận tài trợ. Sau khi nhận tiền, Lâm không chuyển tới các địa chỉ cần hỗ trợ mà chơi game, chi tiêu cá nhân.
Cần xử lý để khơi gợi niềm tin, lòng trắc ẩn
Qua hai vụ án trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, bên cạnh phần lớn những người có lòng hảo tâm, có tiếng nói, có trách nhiệm trước cộng đồng, trách nhiệm đối với những người gặp khó khăn hoạn nạn thì cũng có những đối tượng thừa cơ trục lợi, lợi dụng thiên tai, hoàn cảnh éo le của người khác để trục lợi.
Hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự.
Luật sư phân tích, kêu gọi từ thiện sau đó chiếm đoạt hoặc ăn bớt tiền từ thiện là hành vi trục lợi trên nỗi đau, trên khó khăn hoạn nạn của người khác và là hành vi lừa dối, gian dối, lợi dụng lòng hảo tâm của người khác để trục lợi. Hành vi này làm mất niềm tin của con người với nhau, làm cho người ta luôn nghi ngờ lòng tốt, làm suy giảm cái thiện lương trong mỗi con người.
Khi nhiều người thực hiện hành vi lừa đảo trong hoạt động từ thiện sẽ khiến nhà hảo tâm sẽ nảy sinh lòng trắc ẩn, thiếu niềm tin khi trao gửi tình cảm, tấm lòng…
Ông Cường cho rằng, vụ lợi từ hoạt động từ thiện không những vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, đạo đức xã hội, làm suy giảm niềm tin của con người vào lòng tốt và tâm hướng thiện.
Theo quy định pháp luật, dùng thủ đoạn gian dối: giả danh cơ quan tổ chức, nạn nhân, đưa ra các thông tin gian dối để có được tài sản của các nhà hảo tâm; sau đó chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, nếu người nào đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện, họ đưa ra những thông tin gian dối là đã trao, tặng. Song thực tế, họ không thực hiện hoặc lợi dụng uy tín để nhận tiền của người khác, sau đó gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt một phần tiền hoặc toàn bộ số tiền đó thì đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 175 bộ luật hình sự năm 2015 với số tiền từ 4 triệu đồng trở lên.
Xem thêm: odl.497319-nas-iat-taod-meihc-ed-neiht-ut-gnud-iol-ceiv-ev-ion-us-taul/taul-pahp/nv.gnodoal