Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sử dụng hàng Việt Nam tại thị trường nội địa - Ảnh: NK
Nội dung được nêu trong chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
Với hơn 10 năm tổ chức thực hiện, Ban Bí thư đánh giá cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội...
Tuy nhiên, kết quả cuộc vận động chưa thực sự toàn diện; chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hóa Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước...
Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nâng cao hơn nữa trách nhiệm thực hiện cuộc vận động, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam.
Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam, tạo sự chuyển biến thực sự trong thực hiện.
Khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Ban Bí thư cũng đề nghị tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.
Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp. Có chính sách bảo vệ thị trường phân phối hàng hóa trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt, trọng tâm là thị trường nội địa, mở rộng ra nước ngoài, khai thác hiệu quả các FTA đã ký. Kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống với thương mại điện tử.
Không ngừng làm mới các sản phẩm, nâng cấp dòng nhãn hàng riêng của nhà bán lẻ Việt không chỉ đem đến cho người tiêu dùng cơ hội mua sắm giá tốt hơn, sản phẩm có chất lượng tương đương mà còn là bệ phóng cho nhiều nhà sản xuất Việt.
Xem thêm: mth.42872224172501202-teiv-gnah-gnud-neit-uu-iahp-hcas-nagn-gnud-us-iv-nod-cac-uht-ib-nab/nv.ertiout