Quí 1-2021, nhiều trạm thu phí BOT có doanh thu cao hơn cùng kỳ
Lê Anh
(KTSG Online) - Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng một số trạm thu phí BOT vẫn có doanh thu cao trong quí 1-2021. Tuy nhiên, cũng có nhiều trạm số thu rất thấp, thậm chí đã có địa phương bàn đến phương án đề xuất Chính phủ mua lại trạm BOT.
Trạm thu phí trên quốc lộ 51 hướng TPHCM đi Vũng Tàu. Tuyến quốc lộ 51 là một trong các tuyến đường có doanh thu tốt trong quí 1-2021- Ảnh: Vũ Phong |
Theo số liệu mới được Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố, tổng doanh thu của 54 trạm thu phí BOT trên cả nước trong quí 1-2021 là 3.294 tỉ đồng; tổng lưu lượng xe đạt hơn 58 triệu xe. Con số này cao xấp xỉ doanh thu cùng kỳ năm 2019.
Dự án có doanh thu cao nhất trong quí 1 là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đạt hơn 620 tỉ đồng (quí 1-2020 trạm này thu được 579 tỉ đồng). Đứng thứ hai là tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đạt doanh thu hơn 205 tỉ đồng (quí 1-2020 thu được 186 tỉ đồng). Tuyến quốc lộ 51 (kết nối Đồng Nai với Bà Rịa Vũng Tàu) cũng thu được 205 tỉ đồng trong quí 1-2021, trong khi cùng năm ngoái thu được 182 tỉ đồng.
Trong khi nhiều tuyến đường có doanh thu hàng trăm tỉ đồng thì một số tuyến đường có doanh thu rất thấp. Ví dụ như tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) thu được 8, tỉ đồng (quí 1-2020 trạm thu được 6,9 tỉ đồng). Một dự án khác có số thu thấp là dự án xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì nối quốc lộ 32 với quốc lộ 32C, chỉ đạt doanh thu 8,3 tỉ đồng (quí 1-2020 đạt 7,7 tỉ đồng).
Có thể thấy các trạm BOT có doanh thu tốt trong quí 1-2021 là nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt và các tuyến đường này là những tuyến cao tốc quan trọng.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 4-2021, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, lượng xe bắt đầu giảm sút. Theo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - đơn vị quản lý tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trước khi dịch Covid-19 bùng phát lại, doanh thu tuyến cao tốc này khoảng 4,6 - 4,8 tỉ đồng/ngày. Thế nhưng, khi dịch bệnh bùng phát trở lại trong tháng 4 và tháng 5, doanh thu dự án cao tốc giảm xuống còn khoảng gần 3 tỉ đồng/ngày, giảm hơn 40% so với trước khi có dịch.
Cũng liên quan đến các dự án BOT, mới đây tại cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thể Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị tỉnh Quảng Trị đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn ngân sách địa phương hoặc huy động nguồn vốn hợp pháp khác để mua lại trạm thu phí Trường Thịnh.
Nguyên nhân dẫn đến việc đề xuất mua lại trạm thu phí Trường Thịnh là do trạm thu phí này đặt ngay khu vực giữa tỉnh và gần các thành phố, huyện, thị xã, khiến người dân sinh sống ở những địa phương này phải mất tiền oan do chỉ đi lại một đoạn đường ngắn vẫn phải mua vé.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có 62 dự án BOT (8 trạm đang tạm dừng thu phí), 54 trạm đang thu thì đa số có doanh thu không đạt so với hợp đồng BOT. Con số các dự án không đạt doanh thu như kế hoạch ban đầu tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2018, có 27 dự án, năm 2019 có 43 dự án, năm 2020 có 42 dự án BOT có số thu thấp hơn dự kiến. Các dự án có số thu thấp hơn so với dự kiến ban đầu đã khiến nhà đầu tư BOT gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu. |
Mời xem thêm:
Xem thêm: lmth.yk-gnuc-noh-oac-uht-hnaod-oc-tob-ihp-uht-mart-ueihn-1202-1-iuq/117613/nv.semitnogiaseht.coaid