Một khu rừng ở Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Theo công văn do Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Quảng Nam, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng ý về chủ trương cho Quảng Nam lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+) tại Quảng Nam. Thời gian thí điểm 5 năm (2021 - 2025).
Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức thẩm định đề án của UBND tỉnh Quảng Nam, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Trước đó, cuối tháng 3, UBND tỉnh trình Thủ tướng đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng thông qua REDD+. Trước đó, hầu hết bộ, ngành trung ương đều ủng hộ cho Quảng Nam thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng trên thị trường quốc tế.
Theo tính toán, nếu đề án được Thủ tướng phê duyệt, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ các-bon rừng. Hiện nay, có 5 công ty nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ các-bon rừng.
Tín chỉ các-bon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ các-bon được xác nhận là 1 tấn CO2, hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2, gọi chung là 1 tấn CO2 (viết tắt là CO2e).
Tín chỉ các-bon rừng được xác định từ lượng CO2 hoặc CO2e được tạo ra từ hoạt động REDD+. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ các-bon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường các-bon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính thông qua REDD+. Hiện trên thị trường thế giới mỗi tín chỉ giá khoảng 5 USD.