Từ năm 2018 đến năm 2020, Công ty Cổ phần tư vấn Handic - Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, công ty con của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội liên tục lỗ. Handic cũng đang gồng gánh khối nợ hàng trăm tỉ, gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu trong 5 năm qua.
“Con cưng” của Handico
Theo giới thiệu trên website của Handico, Handico là doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa tháng 6 năm 2006, trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - UBND Thành phố Hà Nội.
Handico giới thiệu về thành viên của mình: “Với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là Tư vấn trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, đầu tư kinh doanh phát triển nhà, trải qua quá trình hơn 10 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Handic là một trong những đơn vị đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành kiến trúc-xây dựng của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đặc biệt từ năm 2005 đến nay, Handic đã có sự phát triển vượt bậc, mạnh mẽ và dần tạo được uy tín thương hiệu trên thị trường trong cả lĩnh vực tư vấn và đầu tư”.
Cũng theo giới thiệu của Handico, Handic rất tích cực hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, ngoài ra đảm bảo nguồn lực tài chính triển khai các sự án quy mô đến hàng nghìn tỉ đồng.
Handico cho biết năm 2009: “Handic đã định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Công ty mẹ- Công ty con, tạo thành một tổ hợp doanh nghiệp đa dạng hóa ngành nghề sản xuất kinh doanh trong đó Công ty mẹ phát triển đầu tư và tư vấn đầu tư, các đơn vị thành viên chi phối và liên kết tập trung cho tư vấn thiết kế chất lượng cao, sản xuất kinh doanh nội thất, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, thi công xây lắp… đảm bảo đáp ứng yêu cầu cao nhất của thị trường đầu tư và xây dựng”.
Hiện, người đang chèo lái Handic là ông Trịnh Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty.
Ông Trịnh Xuân Quang còn được biết đến là đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.
Vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị Handic tiếp tục được giới thiệu tái ứng cử HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Lỗ triền miên, nợ phải trả gấp hàng chục lần vốn tự có
Báo cáo tài chính giai đoạn 2016-2020 của Handic lại cho thấy sự tương phản với những gì mà Handico giới thiệu về Handic.
Trong 5 năm nói trên, tổng tài sản của Handic liên tục đi xuống, lần lượt ở mức: 474,87 tỉ đồng (2016); 273,19 tỉ đồng (2017), 265,94 tỉ đồng (2018), 238,39 tỉ đồng (2019). Năm 2020, tài sản có nhích lên không đáng kể, ở mức 239,24 tỉ đồng.
Đáng nói, phần lớn tài sản của Handic được hình thành từ nợ. Trong đó, năm 2016, Nợ phải trả của Handic là 454,64 tỉ đồng. Năm 2017 Nợ phải trả ở mức 248, 08 tỉ đồng; 2018 là 242,38 tỉ đồng; 2019 là 224,28 tỉ đồng; 2020 là 226,73 tỉ đồng.
Trong khi Nợ phải trả luôn ở mức cao thì từ năm 2018, Vốn chủ sở hữu của Handic lại cắm đầu đi xuống. Theo đó, năm 2016 Vốn chủ sở hữu của Handic là 20,22 tỉ đồng, năm 2017 con số này tăng lên 25,11 tỉ đồng thì từ năm 2018 bắt đầu lao dốc xuống 23,55 tỉ đồng rồi 13,94 tỉ đồng (2019) và 12,5 tỉ đồng (2020).
Có thể thấy, Nợ phải trả của Handic luôn lớn gấp hàng chục lần Vốn chủ sở hữu. Cụ thể: năm 2016 gấp 22,48 lần; năm 2017 gấp 9,87 lần; năm 2018 gấp 10,29 lần; năm 2019 gấp 17,1 lần và năm 2020 gấp 18,13 lần.
Đáng chú ý, trên Bảng cân đối kế toán, tại mục Nợ phải trả, khoản Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Handic tăng đều qua các năm. Cụ thể: 3,23 tỉ đồng (2016), 14,96 tỉ đồng (2017), 14,65 tỉ đồng (2018), 20,19 tỉ đồng (2019) và 20,26 tỉ đồng (2020).
Về kết quả kinh doanh, năm 2017, Handic ghi nhận doanh thu tăng đột biến từ 10,2 tỉ đồng (2016) lên 376,59 tỉ đồng (2017). Cũng trong năm 2017, Handic ghi nhận lãi sau thuế 2,77 tỉ đồng, gấp nhiều lần so với con số 101 triệu đồng của năm 2016.
Tuy nhiên, sau “phút huy hoàng” năm 2017, bức tranh tài chính của Handic từ năm 2018 đến năm 2020 trở nên ảm đạm.
Trong 3 năm gần đây, doanh thu của Handic teo tóp dần, lần lượt đạt 2,6 tỉ đồng năm 2018; 1,97 tỉ đồng năm 2019 và vỏn vẹn 1,14 tỉ đồng năm 2020.
Cùng với đà lao dốc của doanh thu, Handic liên tiếp báo lỗ -413,6 triệu đồng (2018); - 4,74 tỉ đồng năm 2019 và -1,44 tỉ đồng năm 2020.
Xem thêm: odl.438319-uad-pagn-on-neim-neil-ol-cidnah-eohk-cus/et-hnik/nv.gnodoal