Ngày 27-5, một trong những nội dung quan trọng của phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) là cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo của Chính phủ cho hay: Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) năm 2020 có nhiều điểm tích cực nhưng cũng có nhiều tồn tại, hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc họp chiều 17-5. Ảnh: Đ.MINH
Điểm sáng về tiết kiệm
Theo báo cáo, năm 2020 ngân sách trung ương tiết kiệm được khoảng 55.000 tỉ đồng, các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước (khoảng 123.600 tỉ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được ban hành kịp thời.
“Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, trong giới hạn cho phép” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Điểm sáng nữa là giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 86,7% kế hoạch tuy vẫn còn tình trạng giao, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư chậm, phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí theo quy định; đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định.
Đặc biệt, ngành thanh tra được đánh giá là góp phần THTKCLP khi triển khai tới gần 6.200 cuộc thanh tra, kiến nghị thu hồi hàng chục ngàn tỉ đồng, hàng ngàn hecta đất, kiến nghị xử lý hàng ngàn tập thể, cá nhân và chuyển cơ quan chức năng điều tra, khởi tố 12 vụ, 12 đối tượng.
Nhìn chung, năm 2020 việc THTKCLP có nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả nhưng vẫn còn một số hạn chế.
“Vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm ban hành chương trình THTKCLP năm 2020 và chậm báo cáo kết quả THTKCLP năm 2020 so với thời hạn quy định, thể hiện sự thiếu ý thức, trách nhiệm chưa cao trong chấp hành Luật THTKCLP; làm ảnh hưởng đến công tác tổng kết, đánh giá và kết quả THTKCLP chung của cả nước” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Còn 111.200 tỉ đồng chưa giải ngân được
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được dù năm 2020 có nhiều khó khăn, nhất là dịch COVID-19.
Cơ quan thẩm tra cho rằng công tác cơ cấu lại ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực nhưng do tác động của thiên tai, dịch bệnh nên năm 2020 bị hụt thu ngân sách, trong khi phải tăng chi khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh làm tăng bội chi ngân sách và nợ công.
Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao (kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 chưa giải ngân khoảng 30.000 tỉ đồng; vốn trong nước khoảng 81.200 tỉ đồng); phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm.
Đặc biệt, tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm. Các dẫn chứng được nêu có dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông...
Đặc biệt, theo cơ quan thẩm tra, tại một số cơ quan còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công.
“Có bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng mà chưa nêu rõ lý do; một số quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn” - Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu.
Sợ mua sắm trang thiết bị phòng dịch
“Chủ trương thực hành tiết kiệm là chủ trương rất lớn của Đảng, được thể chế trong pháp luật; bên cạnh tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng. Do đó, chúng ta có cả Luật Phòng chống tham nhũng và Luật THTKCLP, không chỉ quy định ở khu vực công mà cả khu vực tư” - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ mở đầu phần phát biểu.
Theo ông, đôi khi thiệt hại do lãng phí cũng chẳng kém gì tham nhũng, thậm chí nhiều khi còn trầm trọng hơn.
Ông nêu: Xử lý yếu kém các doanh nghiệp trong ngành công thương bây giờ đến đâu, bao giờ xong? Xử lý các ngân hàng yếu kém, thua lỗ, nhất là các ngân hàng 0 đồng thì thế nào? Tình hình lỗ có tăng lên không? “Tôi thấy trong báo cáo không có chữ nào, cả báo cáo Chính phủ và thẩm tra đều không đề cập đến vấn đề này” - Chủ tịch QH nhận xét.
Đặc biệt, Chủ tịch QH nói về mua sắm công trong phòng chống dịch COVID-19 năm 2020 là rất lúng túng.
“Trong việc mua sắm công, đã sai phạm phải khởi tố như CDC Hà Nội và một số nơi khác. Đương nhiên vi phạm phải xử lý rồi nhưng Nhà nước có trách nhiệm gì ở đây không? Anh không có hướng dẫn, không nói trường hợp nào cấp bách được chỉ định thầu. Quan trọng là phải công khai, minh bạch. Có tình trạng năm nay cũng vậy, tất cả các nơi đều sợ việc mua sắm, ngay cả vật tư thiết bị phòng chống dịch cũng rất sợ” - Chủ tịch QH nói.
Ông cũng cho rằng: “Người ta chỉ thích tiền MTTQ hỗ trợ, đó không phải là tiền ngân sách, hoặc tài trợ bằng hiện vật người ta sử dụng được…”. Chủ tịch QH lưu ý đừng để “vừa mất tiền vừa mất người”. “Mất người là mất toàn đội ngũ tinh hoa cả, giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân…” - Chủ tịch QH nói.
Cuối cùng, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ rà soát, “gia công” lại báo cáo để đi vào thực chất, chứ “cứ nói chung chung thế này thì hòa cả làng hết…”.
Đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV Cũng chiều 27-5, phát biểu kết luận phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ, Chủ tịch QH thông tin về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV vừa qua. Theo ông, với 99,57% cử tri đi bỏ phiếu, cuộc bầu cử ngày 23-5 đã bầu đủ 500 ĐBQH khóa XV. Cuộc bầu cử lần này rất thành công, dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm, an toàn dù dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp. Tỉ lệ cử tri đi bầu trên cả nước cao hơn cuộc bầu cử năm năm trước. Chủ tịch QH yêu cầu Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia sớm hoàn thành báo cáo nhanh về kết quả bầu cử gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Thường vụ QH; ban hành hướng dẫn về việc bầu bổ sung ĐB HĐND ở một số xã chưa bầu đủ số lượng. Theo quy định, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH chậm nhất vào ngày 12-6. |