Hãng AFP đưa tin các ngoại trưởng của nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 27-5 đã lên án việc Belarus ép máy bay hạ cánh và bắt giữ nhà báo đối lập Roman Protasevich, đồng thời yêu cầu thả ông này “ngay lập tức và vô điều kiện".
Trong một tuyên bố chung do chính phủ Anh công bố hôm 27-5, các ngoại trưởng nhấn mạnh: "Chúng tôi yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với ông Protasevich, cũng như tất cả các nhà báo khác bị giam giữ ở Belarus".
Nhà báo đối lập Roman Protasevich. Ảnh: REUTERS
Theo tuyên bố, các ngoại trưởng của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh và Mỹ, cùng Liên minh châu Âu (EU) đã "lên án với những điều khoản mạnh mẽ nhất về hành động 'chưa từng có tiền lệ' của chính quyền Belarus".
Các ngoại trưởng G7 cũng cáo buộc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko gây nguy hiểm cho sự an toàn của các hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay.
"Chúng tôi kêu gọi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) khẩn trương giải quyết thách thức này theo các quy tắc và tiêu chuẩn của tổ chức" - tuyên bố nêu rõ.
"Hành động này cũng thể hiện một cuộc tấn công nghiêm trọng vào tự do truyền thông" – tuyên bố nêu.
Theo tuyên bố, các ngoại trưởng cũng cam kết sẽ “tăng cường các hành động chung, bao gồm việc thông qua nhiều biện pháp trừng phạt hơn nếu thích hợp, nhằm nâng trách nhiệm giải trình đối với các hành động của chính quyền Belarus".
Chia sẻ trên trang Twitter, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab viết: "Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công cụ của mình để yêu cầu chính quyền Belarus phải giải trình".
Sự không đồng tình của quốc tế đối với Belarus và Tổng thống Lukashenko đã gia tăng kể từ khi Belarus hôm 23-5 đã yêu cầu chuyến bay FR4978 của hãng hàng không Ryanair (Ireland) đổi hướng và hạ cánh khẩn cấp ở Minsk.
Sau đó, lực lượng an ninh Belarus đã bắt hai hành khách là ông Protasevich - người bị Belarus coi là phần tử có liên hệ với khủng bố - và bạn gái.
Ông Protasevich là đồng sáng lập của một tài khoản truyền thông trên mạng xã hội nhưng kênh này bị Minsk coi là "cực đoan". Ông này được phương Tây mô tả là một "nhà báo" và là một nhân vật đối lập tại Belarus.
Vụ việc hôm 23-5 khiến Belarus vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Mỹ và châu Âu, trong đó có nước láng giềng vùng Baltic là Lithuania - điểm đến trong kế hoạch của chuyến bay FR4978, cũng là nơi ông Protasevich sống lưu vong trước khi bị bắt.
Các nhà lãnh đạo của EU thống nhất sẽ bổ sung các biện pháp trừng phạt chống lại Belarus và cấm các hoạt động hàng không liên quan tới Belarus. Mỹ chưa ban hành biện pháp trừng phạt.
Trong bài phát biểu công khai đầu tiên sau vụ việc trên, ông Lukashenko hôm 26-5 nói rằng những phản ứng của phương Tây không khiến Minsk bất ngờ.
"Như chúng tôi đã dự đoán, những kẻ xấu xa từ bên ngoài và bên trong đất nước đã thay đổi phương thức tấn công vào nhà nước này" – ông Lukashenko phát biểu tại Quốc hội Belarus.