Và buồn một điều nữa: nếu trước 31-12 việc mua bán chưa xong, năm 2024 sẽ phải lặp lại quy trình thẩm định giá, đấu thầu mua bán lại từ đầu, và 1,5 triệu trẻ dưới 1 tuổi sinh ra trong năm lại gặp nguy cơ thiếu vắc xin tiêm chủng.
Năm 2023 đã được nhiều cấp lãnh đạo ngành y tế khẳng định là thiếu vắc xin trầm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tình trạng trẻ em sinh ra, đến lịch tiêm chủng, tới trạm y tế và được thông báo chờ hoặc khuyến cáo đi tiêm vắc xin dịch vụ đồng nghĩa với việc gia đình các bé khắp các tỉnh thành tốn hàng chục triệu đồng, trong khi theo chính sách hiện hành vắc xin tiêm chủng mở rộng là miễn phí.
Đến cuối tháng 11, TP.HCM đã hết sạch nhiều loại vắc xin, có loại thiếu từ tháng 5-2023. Việc được cấp thêm ít liều "5 trong 1" từ nguồn viện trợ của Chính phủ Úc những ngày sát Tết dương lịch 2024 được coi là "tin vui với TP.HCM".
Trong khi đó tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế đã thẳng thắn thừa nhận hết vắc xin từ rất lâu rồi. Các tỉnh thành khác cũng trong tình trạng tương tự.
Thiếu vắc xin, các bé không có vắc xin để tiêm, tỉ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đã giảm xuống mức 66% trong 10 tháng đầu năm nay, giảm thấp so với yêu cầu là khoảng 75%.
Mặc dù đã có nhiều gia đình chạy vạy tiền để đưa con đi tiêm dịch vụ, nhưng chi phí tiêm ngừa dịch vụ lớn là trở ngại với rất nhiều gia đình khiến họ chần chừ hoặc chờ đợi. Thế nên số các cháu chưa được tiêm ngừa quả là một khoảng trống miễn dịch, khoảng 9% chưa tiêm so với yêu cầu đó là cả trăm ngàn trẻ em!
Và ở một số nơi, dịch bệnh đã xuất hiện, ngay tại Hà Nội đã có cả trẻ em mắc ho gà - căn bệnh có vắc xin phòng và nhiều năm nay ít gặp.
Ngân sách đã dành sẵn tiền mua vắc xin tiêm chủng miễn phí cho trẻ em. Chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai miễn phí ở Việt Nam từ đầu những năm 1980 và ngày càng mở rộng số lượng vắc xin.
Rõ ràng những trục trặc, rắc rối khiến trẻ em không được/chưa được tiêm trong năm nay là do những thủ tục hành chính, trong đó có khâu thẩm định giá. Đây là nguyên nhân không hề liên quan trẻ em.
Sở dĩ cần phải thẩm định lại giá vì giá vắc xin sử dụng trong tiêm chủng mở rộng hiện hành đều xây dựng giá từ cách đây 10 - 15 năm, với giá bán chưa "tính đúng tính đủ", giá vắc xin chỉ 1.500 - 3.000 đồng/liều, rất thấp so với chính vắc xin ấy bán ra thị trường bình thường và khó cho nhà sản xuất vắc xin nội địa ở vai trò cơ quan sự nghiệp có thu, tự chủ chi thường xuyên.
Giá vắc xin thấp khiến nhà sản xuất không thể đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không có thêm vắc xin mới trong khi họ có tiềm lực.
Đó là chưa kể vướng mắc "ai mua vắc xin" tiêm chủng mở rộng. Đầu năm nay việc mua bán giao cho các địa phương nhưng địa phương từ chối, muốn Bộ Y tế mua như trước. Đến tháng 7-2023, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế. Như vậy, trục trặc từ tháng 7 đến nay chỉ còn vấn đề thẩm định giá.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, tháng 10 vừa qua Bộ Y tế đã gửi đề xuất về giá sang Bộ Tài chính lần 1, sau khi nhận phản hồi tháng 12 Bộ Y tế lại gửi sang Bộ Tài chính lần 2.
Nhưng càng về cuối tháng càng hồi hộp vì nếu không xong trước 31-12 có nghĩa là 2024 sẽ phải làm lại quy trình, tiền dành mua vắc xin 2023 sẽ phải trả lại ngân sách, các cháu chưa được tiêm sẽ chưa có vắc xin để tiêm bù.
Có tiền nhưng vì sao để trẻ phải đợi? Vì sao việc cần kíp liên quan đến sức khỏe cả triệu trẻ em lại chậm trễ đến như vậy? Đã từng có năm việc mua bán vắc xin được ký kết vào 31-12 nhưng năm ấy chưa thiếu trầm trọng, chưa cấp bách như năm nay. Vì vậy chuyện vì sao chậm càng trở nên kỳ lạ, dù trẻ em không có lỗi và không thể chờ.
Thế nhưng sức khỏe của trẻ em vẫn phải chờ thủ tục của người lớn, thủ tục bị chậm trễ kéo dài đó chính là sự thiếu trách nhiệm với trẻ em.
'Với những người làm công tác tiêm chủng bao nhiêu năm, thực sự chỉ mong muốn không bao giờ bị thiếu vắc xin. Và hiện tượng thiếu vắc xin như năm 2023 này sẽ không lặp lại nữa', bà Dương Thị Hồng khẳng định.