Ca khúc mang đậm chất tự sự, như một sự chiêm nghiệm mọi mặt về mảnh đất Sài Gòn trên nhạc thính phòng xen lẫn nhạc pop.
Phần mở đầu ca khúc là một hình ảnh Sài Gòn với nắng, mưa và dòng người như đàn bướm: "Sài Gòn trong màn nắng hôm nay, Sài Gòn trong màn mưa ngày ấy/ Người đi như đàn bướm tung bay. Lạc nhau trên đất này".
Bắt đầu từ hình ảnh ví von thơ mộng ấy, là câu chuyện ngày càng nhiều những con người ở mọi miền tìm cơ hội nghề nghiệp, tìm thành công trong những nỗi khó khăn:
"Sài Gòn như một chốn mê cung, Đường nào đi không đến?/gần nhau đây mà rất xa nhau. Bình yên ơi nơi đâu?/ Níu lấy người ở chốn phong ba, níu lấy một hạnh phúc nơi xa./ Lấy mái lều làm chốn nương thân, cho nên lo âu trăm phần..."
Nhạc sĩ Quốc Bảo chia sẻ ông từng sáng tác sáu ca khúc trong một ngày, nhưng ông đã dành đến ba tuần để suy nghĩ và viết nên ca khúc Bình yên ở đâu xa:
"Tôi là người Sài Gòn, từng sáng tác ca khúc về Sài Gòn rồi nhưng cái khó của viết nhạc phim Dưới bóng bình yên đó là câu chuyện về những người dân lao động nhập cư.
Góc nhìn mới mẻ này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều để làm sao viết ca khúc vừa phù hợp với nội dung phim vừa có sức sống riêng.
Sài Gòn là mảnh đất dễ sống nhưng không phải ai lập nghiệp ở mảnh đất này đều thành công.
Vì vậy, Sài Gòn không dành cho những người muốn tìm bình yên. Sự bình yên nằm trong sự biến động và năng động. Sự biến động sẽ tạo ra những cơ hội. Nếu ai bắt được những cơ hội ấy sẽ thành công".
Nhạc sĩ Quốc Bảo sinh năm 1968, là một nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, làm cố vấn nghệ thuật cho nhiều ca sĩ, viết báo, nhiếp ảnh gia nghiệp dư.
Ông bắt đầu tham gia sáng tác từ năm 1989 và đã có cho riêng mình khoảng 1000 bài hát. Trong đó có các ca khúc được yêu thích như Giấc mơ tuyết trắng, Em về tinh khôi, Tóc nâu môi trầm, Tình ca, Dạ khúc...
TTO - Quốc Bảo nói khủng hoảng, tổn thương hay cơ cực là điều không tránh khỏi cuộc sống này. Sau những biến cố dữ dội, nhạc sĩ Quốc Bảo nay đã hồi sinh. Trông anh tràn đầy năng lượng, niềm vui và không ngừng lao động.