Theo các chuyên gia bất động sản (BĐS), sau các đợt sốt đất hồi đầu năm, người mua BĐS nên tập trung vào nhu cầu thực của mình, hơn là lội theo dòng với những thông tin thất thiệt trên thị trường như vừa qua.
Căn hộ, bất động sản nghỉ dưỡng… nên ưu tiên
“Sau sốt đất, việc dùng tiền mua gì là điều cần tính toán, nhất là đối với những người đã bị cơn sốt đất làm điên đảo” - ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, cho biết.
Theo ông Việt, người mua nên tập trung vào nhu cầu của gia đình mình hoặc nhu cầu thực của mình. Ví dụ như mua một ngôi nhà mặt phố, căn hộ cao cấp, chung cư... là lựa chọn tốt, giúp nâng cao giá trị sống và tiếp tục bảo toàn giá trị tài sản.
“Nếu đã có nhà, BĐS nghỉ dưỡng nên được ưu tiên. Tất nhiên là cần cân nhắc các khu vực có đơn vị quản lý, chủ đầu tư chuyên nghiệp, uy tín” - ông Việt nói.
Tuy nhên, ông Việt cũng lưu ý luôn luôn nên giữ 20% là tiền mặt bên mình để phòng khi hữu sự. Thanh khoản BĐS có thể mất đi do một số bất tiện khi dịch COVID-19 diễn biến xấu. Ngoài ra, tiền mặt sẽ cần thiết trong những lúc mọi người không thể làm gì khác hơn khi phải ở yên một chỗ.
Đồng tình, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh BĐS có nhiều dự án ở cả ba miền cho rằng sau sốt đất, có vẻ như BĐS nghỉ dưỡng là kênh đầu tư nên được xem xét. Lý do là những BĐS nghỉ dưỡng đã được quy hoạch cụ thể, nhu cầu du lịch cũng sẽ trở lại sau này khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn.
“Lướt sóng đất nền dự án như vừa qua mang lại nhiều rủi ro. Các thông tin quy hoạch được giới đầu cơ tung ra mập mờ là bài học cho mọi người khi muốn đầu tư BĐS sau này” - vị đại diện này nói.
Còn về căn hộ, nghiên cứu thị trường của CBRE Việt Nam cho thấy riêng trong quý I-2021, giá chào bán các dự án chung cư mới trên địa bàn TP.HCM tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhà liền thổ cũng tăng 11%. Thị trường căn hộ được xác định đang trong chu kỳ tăng giá và gần như ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Hiện nay giá chào bán căn hộ sơ cấp tại TP.HCM đạt mức 51 triệu đồng/m2. Giá này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 4%-7% so với năm 2020” - đại diện CBRE Việt Nam nhận định.
Ghi nhận của chuyên trang batdongsan.com.vn cho thấy trong bốn tháng đầu năm hoạt động giao dịch căn hộ thứ cấp có phần nhộn nhịp hơn. Lượng giao dịch thành công chiếm phần nhiều, nhất là ở phân khúc căn hộ 2-2,5 tỉ đồng.
Bất động sản nghỉ dưỡng đang được xem là phân khúc đáng quan tâm thời điểm này. Ảnh: VH
Lưu ý để không rơi bẫy sốt đất ảo
Bên cạnh câu chuyện đầu tư ở đâu, như thế nào sau sốt đất, các chuyên gia trong ngành cũng đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư để họ tỉnh táo hơn trong tương lai.
“Để tỉnh táo trước cơn sốt, bạn cần hạn chế hoặc không nên đầu tư theo làn sóng như đợt thông tin sân bay Bình Phước vừa qua… Khi các thông tin về dự án chưa rõ ràng, tâm lý đầu tư theo đám đông là nguy hiểm, rất dễ mắc cạn” - luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, tư vấn.
Về góc độ pháp lý, ông Cường cho rằng người mua cần nắm chắc thông tin pháp lý, cần kiểm tra rõ ràng các thông tin này trước khi xuống tiền. Bên cạnh đó là hạn chế việc mua các BĐS chưa hoặc không hoàn thiện pháp lý chỉ vì thấy giá rẻ (đất chưa cấp giấy, tranh chấp...) vì khi sóng qua đi, các BĐS này càng khó thanh khoản hơn.
“Nguyên tắc khác nữa là chúng ta nên quan tâm giá đất tại khu vực dự kiến đầu tư. Để tránh “mua đỉnh” thì việc có đầy đủ thông tin giá đất trong thời gian từ sáu tháng đến ba năm trở lại là cần thiết” - ông Cường phân tích.
Về giá nhà, theo chuyên trang batdongsan.com.vn, có quá nhiều yếu tố đang tác động lên giá nhà và sự tác động này đều theo chiều hướng buộc thị trường phải tăng giá bán trong tương lai. Giá trị tiền sử dụng đất và chi phí phát triển dự án là hai yếu tố chủ chốt sẽ khiến giá nhà tăng cao trong các năm tới đây.
Chưa bàn đến vấn đề quỹ đất TP.HCM và các khu vực liền kề đang ngày càng ít dần đi, giá trị tiền sử dụng đất tăng cao kéo theo chi phí phát triển của doanh nghiệp leo thang.
Theo các chủ đầu tư BĐS tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, việc giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng cao buộc họ phải tăng giá bán. Ngoài thép, các vật liệu khác cũng tăng giá như đồng, gỗ... Chính vì vậy, việc tăng giá bán BĐS là sự điều tiết bình thường trong cấu thành giá.
Báo cáo mới nhất của chuyên trang batdongsan.com.vn cho thấy trong tháng 4, mức độ quan tâm trung bình đối với BĐS trong cả nước có sự sụt giảm mạnh, lên tới 18% so với tháng trước (tháng 3, cũng là tháng sốt đất). Sau cơn sốt đất khiến mức độ quan tâm đạt đỉnh vào tháng 3, mức độ quan tâm đã suy giảm trong tháng 4. Cụ thể, nhu cầu về BĐS của người tìm kiếm giảm mạnh nhất ở các loại hình như đất giảm 20%, nhà riêng giảm 19%, đất dự án giảm 18% và biệt thự giảm 18%. Về lượng tin đăng BĐS trong tháng 4 trên trang này, sản phẩm chung cư có sự sụt giảm rõ rệt ở mức 8% và biệt thự giảm 1% so với tháng 3. |