Tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ để bàn về việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững chiều 30/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá, tình hình kinh tế thế giới và trong nước hiện tại có nhiều biến động phức tạp, khó lường và chưa có tiền lệ với nhiều yếu tố khó lường.
Bà chỉ ra, Ngân hàng Dự trữ Trung ương Mỹ tăng lãi suất với biên độ 0,75% mỗi lần trong 2 tháng qua và cao hơn 4%/năm là điều hiếm có trong lịch sử.
Bên cạnh đó, đồng đô la Mỹ cũng có xu hướng tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác. Lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và Anh lên tới 8-9%, trong khi trước đó chỉ duy trì ở mức 1-2%.
Với Việt Nam – nền kinh tế có độ mở lớn, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, cán cân thương mại của Việt Nam hiện thâm hụt nhẹ, chủ yếu nhờ thặng dư thương mại của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Còn khối doanh nghiệp trong nước đang nhập siêu với giá trị lớn.
Theo đó, bà Hồng cho hay, doanh nghiệp trong nước hiện rất cần ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu. Đáng lưu ý là với cùng một khối lượng nhập khẩu, nhưng đối tượng doanh nghiệp này phải mua với giá cao hơn.
Những diễn biến nêu trên, theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước - là thách thức với hoạt động điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ nói chung và hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của tổ chức này nói riêng. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh kinh tế biến động khó lường thì cần phải kiên định với mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với lãi suất và tỉ giá, bà Hồng cho biết cơ quan quản lý đang chịu sức ép lớn do các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã thực hiện 196 lượt điều chỉnh lãi suất trong 2 năm qua. Ngoài ra, đồng đô la Mỹ có xu hướng tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác.
Về phía cơ quan quản lý không thể hạ lãi suất trong bối cảnh hiện tại do việc này khiến giá trị đồng Việt Nam rẻ hơn, gây ra tình trạng găm giữ ngoại tệ. Vì vậy, các ngân hàng cần chủ động điều tiết lãi suất ngắn hạn để ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối.
“Hiện mặt bằng lãi suất điều hành của Việt Nam tương đối ổn định khi mới tăng 0,2% so với đầu năm. Đây là sự điều hành rất cố gắng”, bà Hồng nói.
Bà Hồng khẳng định, cơ quan quản lý vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm 2022, dù nhận được một số kiến nghị về việc nới “room” tăng trưởng tín dụng lên khoảng 15-16%.
Lý giải điều này, Thống đốc NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng luỹ kế từ đầu năm tới 26/7/2022 là 9,42%. Con số này trong giai đoạn từ cuối tháng 7/2021 tới 26/7/2022 là 17%. Ngược lại, huy động vốn của hệ thống ngân hàng luỹ kế 7 tháng đầu năm nay ước đạt 4,21%.
Ngoài ra, tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam – dựa trên cách tính GDP mới của Ngân hàng Thế giới ở mức 124%. Tỉ lệ này dựa trên cách tính GDP cũ đã vượt mức 180%. Những con số này, theo bà Hồng, đều ở mức cao nhất thế giới.
Còn tỉ lệ tín dụng/huy động vốn từ thị trường 1 (tiền gửi của doanh nghiệp và người dân) đã đạt 99%, đồng nghĩa với hệ thống ngân hàng huy động được 100 đồng thì cho vay tới 99 đồng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo về việc tích cực phân bổ dòng tiền vào các ngành, lĩnh vực có vai trò thúc đẩy phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2022 như đầu tư công.
Như vậy, một lượng tiền lớn sẽ được đưa vào nền kinh tế thời gian tới. Với bối cảnh trên, cộng thêm áp lực lạm phát gia tăng thì không thể chủ quan. Do đó, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%.
Nếu nới “room” tín dụng thì các ngân hàng phải chạy đua huy động nguồn vốn để có nguồn cho vay, gây cuộc đua lãi suất tương tự giai đoạn 2010-2011. Điều này không phù hợp với mục tiêu ổn định lãi suất, tỉ giá và thị trường ngoại hối của ngân hàng Nhà nước.
Với lĩnh vực bất động sản, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản rất đa dạng, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn huy động từ thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc vay các tổ chức nước ngoài, huy động từ thị trường chứng khoán, từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân và vay từ tổ chức tín dụng.
Như vậy nguồn vốn tín dụng từ hệ thống tổ chức tín dụng chỉ là một trong số các nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản, nhưng đây là nguồn vốn mang tính chất trọng yếu.
Về lâu dài, để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững, bà Hồng cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn đa dạng, an toàn, hiệu quả, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Theo đó, tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh quá mức vào bất động sản sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu tới an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Do nhu cầu tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản thường có thời gian vay vốn dài. Hiện nay khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản có thời gian vay vốn từ 10 - 25 năm, trong khi nguồn huy động của hệ thống tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn với lãi suất thay đổi theo thị trường (80% nguồn vốn huy động của hệ thống tổ chức tín dụng là tiền gửi ngắn hạn).
Vì vậy, tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng được nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân.