Theo đó, tối 26-5, The Rice Trader (TRT) công bố DNTN Hồ Quang Trí là công ty đầu tiên tại Việt Nam được phép sử dụng logo (biểu tượng thương hiệu) giải thưởng "World’s Best Rice" (Gạo ngon nhất thế giới) độc quyền của TRT vào mục đích tiếp thị và kinh doanh. Đồng thời cảnh báo Việt Nam có thể mất quyền tham gia cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" do một số doanh nghiệp (DN) đã vi phạm bản quyền khi sử dụng logo này để in trên bao bì gạo kinh doanh trong nước và xuất khẩu nhưng chưa có sự đồng ý của TRT.
Trao đổi riêng với Báo Người Lao Động chiều 27-5, bà Phan Mai Hương, đại diện TRT tại Việt Nam, cho biết để được sự cho phép này, DNTN Hồ Quang Trí đã đạt được thỏa thuận với TRT về mức phí sử dụng logo giải thưởng. Phí này được TRT sử dụng cho việc tổ chức cuộc thi và hỗ trợ nghiên cứu phát triển giống lúa. Không tiết lộ số tiền cụ thể nhưng bà Hương cho biết mức phí là 1% doanh thu gạo có sử dụng logo giải thưởng. TRT không phải thu phí từ bây giờ mà truy thu từ lúc DN sử dụng logo của giải thưởng trên bao bì. Điều này có nghĩa DNTN Hồ Quang Trí đã chi ra số tiền không nhỏ do gạo ST25 của đơn vị này rất hút hàng sau khi đoạt giải.
Theo bà Hương, vấn đề bản quyền sử dụng logo giải thưởng không phải mới mà đã có trong quy chế cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới", các cá nhân, tổ chức tham gia đều phải ký cam kết tuân thủ. "Thực tế, đơn vị nào thắng giải cũng có nhu cầu sử dụng logo, hình ảnh cuộc thi để tiếp thị, kinh doanh gạo. Tại Việt Nam, vi phạm mới xảy ra từ năm 2019, khi Việt Nam lần đầu tiên đoạt giải nhất cuộc thi. Trước đó, TRT cũng có cảnh báo một số DN ở Thái Lan do có vi phạm tương tự nhưng không tràn lan như tại Việt Nam" - bà Hương bày tỏ.
Gạo ST25 của DNTN Hồ Quang Trí được phép sử dụng logo giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”
Theo bà Hương, ngoài DNTN Hồ Quang Trí có sự hợp tác tốt, TRT thất vọng trước phản hồi của một số DN đã sử dụng logo giải thưởng trước khi được TRT nhắc nhở. Do đó, TRT phát cảnh báo yêu cầu các DN cần có sự "tôn trọng cần thiết" khi sử dụng logo giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới" thuộc bản quyền của TRT trên các bao bì gạo đang được kinh doanh trên thị trường. "Do tình trạng này, TRT cũng xem xét đến khả năng từ chối các DN Việt Nam tham gia cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" những năm tiếp theo. Điều này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh gạo Việt Nam" - bà Hương nhấn mạnh.
Theo bà Hương, TRT sẽ tiếp tục gửi văn bản cảnh báo đến các DN Việt Nam có sử dụng logo giải thưởng mà không được phép. Danh sách đầu tiên là các DN đang xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 có sử dụng cụm từ "World’s Best Rice" tại Việt Nam. Sau đó là các DN xuất khẩu vì thực tế đã có DN sử dụng cụm từ trên để quảng bá gạo ở nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.
Theo luật sư Vũ Xuân Lâm, Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ A&Z, về pháp lý thì chủ sở hữu nhãn hiệu muốn được bảo hộ tại Việt Nam phải đăng ký và được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam. "Tuy nhiên, thực tế vẫn có những trường hợp chủ sở hữu thu được tiền bản quyền thông qua thỏa thuận riêng với DN sử dụng nhãn hiệu với mức phí từ 1%-5% tổng doanh thu" - luật sư Lâm cho biết.
Một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết nếu TRT đã được bảo hộ thương hiệu giải thưởng thì cảnh báo của họ là đúng. Các DN Việt Nam khi tham gia sân chơi phải tuân thủ theo luật, phải tôn trọng bản quyền của TRT. Đối với việc gạo Việt Nam có tiếp tục tham gia cuộc thi của TRT hay không, lãnh đạo này cho biết "sẽ tham gia nếu DN có nhu cầu".
Phóng viên đã liên hệ với Giám đốc DNTN Hồ Quang Trí và cha đẻ gạo ST25 - ông Hồ Quang Cua - để tìm hiểu thêm thông tin trên nhưng chưa nhận được phản hồi.
Chưa dùng đến pháp lý
Được biết logo kèm dòng chữ "World’s Best Rice" (Gạo ngon nhất thế giới) thuộc bản quyền của TRT (trụ sở tại Mỹ) nhưng chưa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Vì lý do này, một số DN kinh doanh gạo tại Việt Nam đã thiếu sự hợp tác với TRT. Theo bà Hương, hiện TRT chưa xúc tiến các biện pháp về pháp lý mà chỉ nhắc nhở đạo đức kinh doanh của DN, không được sử dụng tài sản của người khác khi chưa được sự cho phép.
Xem thêm: mth.35980821272501202-neyuhc-oc-ial-ioig-eht-tahn-nogn-oag-neyuq-nab/et-hnik/nv.moc.dln