Ngày 28-5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo với Moscow rằng nước này không có ý định tái gia nhập hiệp ước Bầu trời Mở, một trong những chủ đề dự kiến được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 6, đài RT đưa tin.
Cụ thể, các quan chức Mỹ cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã nói với người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov rằng Mỹ quyết định không gia nhập lại Hiệp ước Bầu trời Mở, vốn cho phép các chuyến bay giám sát qua các cơ sở quân sự ở cả hai nước. Đồng thời, phía Nga cũng xác nhận đã nhận được thông báo trên.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman. Ảnh: Farsi Alarabiya
Động thái này diễn ra chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau vào ngày 16-6 tại Geneva trong nỗ lực tìm kiếm điểm chung trong bối cảnh quan hệ hai nước đang xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.
Đây cũng là trường hợp hiếm hoi Tổng thống Biden không đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm Donald Trump, người đã đưa Mỹ ra khỏi hiệp ước vào tháng 5-2020. Khi rút khỏi hiệp ước, ông Trump lập luận rằng những vi phạm của Nga khiến Washington không thể chấp nhận được việc vẫn là một bên trong hiệp định. Washington đã hoàn tất việc rút khỏi hiệp ước vào tháng 11-2020.
Trước đó, các đảng viên Dân chủ hàng đầu và các thành viên của Liên minh châu Âu đã thúc giục Mỹ xem xét lại việc rút lui và kêu gọi Nga duy trì hiệp ước và dỡ bỏ các hạn chế bay, đặc biệt là khu vực Kaliningrad ở cực tây của nước này, nằm giữa các đồng minh Nato là Lithuania và Ba Lan.
Tuy nhiên, thông báo của Mỹ đã đóng chiếc đinh cuối cùng vào quan tài của hiệp ước được các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và đảng Dân chủ tại Quốc hội ủng hộ rộng rãi như một biện pháp xây dựng lòng tin giữa các đối thủ trước đây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Hiệp ước Bầu trời mở nhằm mục đích xây dựng lòng tin giữa Nga và phương Tây bằng cách cho phép hơn ba mươi bên ký kết của hiệp định thực hiện các chuyến bay do thám trên lãnh thổ của nhau để thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự.
Hơn 1.500 chuyến bay đã được thực hiện kể từ khi hiệp ước có hiệu lực vào năm 2002 nhằm tăng cường tính minh bạch và cho phép giám sát việc kiểm soát vũ khí và các thỏa thuận khác.
Quyết định nói trên đồng nghĩa với việc giữa hai cường quốc chỉ còn một hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn là hiệp ước NEW START. Trước đó, ông Trump đã không gia hạn hiệp ước, vốn đã hết hạn vào đầu năm nay. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, chính quyền ông Biden đã nhanh chóng gia hạn hiệp ước này thêm năm năm.