Sau tuần lễ lao dốc, tương lai nào chờ đợi tiền số?
Song Thanh
(KTSG) - Sau quãng thời gian bùng nổ từ đầu năm nhờ sự quan tâm ngày càng gia tăng từ các ngân hàng lớn ở Phố Wall và các công ty giao dịch đại chúng, thị trường tiền kỹ thuật số vừa trải qua quãng thời gian kinh hoàng, với đà bán tháo mạnh khiến thị trường lao dốc. Điều này đang làm dấy lên những nghi ngại đối với tương lai của đồng tiền này.
Tuần lễ kinh hoàng
Chỉ trong tháng 5, giới đầu tư tiền kỹ thuật số đã đón nhận một loạt tin xấu đến từ những nhân vật có ảnh hưởng lớn và các cơ quan giám sát.
Đầu tiên, Elon Musk - CEO hãng xe điện Tesla và là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho bitcoin, bất ngờ tuyên bố hãng này dừng chấp nhận bitcoin làm phương tiện thanh toán khi khách hàng mua xe vì lo ngại tác động tiêu cực đối với môi trường từ việc đào bitcoin. Vị tỉ phú Mỹ thậm chí còn phát đi những tín hiệu mập mờ về việc đã bán số bitcoin mà công ty dùng 1,5 tỉ đô la để mua hồi đầu năm, trước khi lên tiếng phủ nhận sự việc.
Những thông tin này ngay lập tức đã kích hoạt làn sóng bán tháo trên diện rộng, “xóa sổ” khoảng 1.000 tỉ đô la giá trị vốn hóa thị trường của tiền kỹ thuật số bitcoin, vốn chiếm hơn 40% thị trường tiền kỹ thuật số toàn cầu, có thời điểm đã để mất tới 30% giá trị xuống còn 30.000 đô la/bitcoin trong phiên 19-5, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 1-2021. Các loại tiền điện tử khác cũng trượt dốc: Ethereum giảm hơn 40%, trong khi Dogecoin và Binance mất khoảng 30%.
“Thị trường tiền ảo tiếp tục có mức độ biến động lớn. Giá có thể biến động trong biên độ rất lớn chỉ vì một dòng tweet hay phát biểu nào đó”, nhà phân tích Stephanie Price thuộc CIBC nhận định với hãng tin CNBC.
Cùng lúc đó, một báo cáo của Ngân hàng JPMorgan Chase cho thấy các nhà đầu tư tổ chức lớn đang bán tháo bitcoin và chuyển vốn sang thị trường vàng. Thông tin này càng làm dấy lên những nghi ngại về sự ủng hộ của các định chế tài chính đối với tiền kỹ thuật số.
Ảnh hưởng tiêu cực hơn cả chính là những lo ngại về việc giới chức các nước thắt chặt kiểm soát hơn nữa đối với thị trường tiền kỹ thuật số. Hôm 21-5, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tái khẳng định quan điểm siết chặt giám sát đối với hoạt động đào và giao dịch tiền kỹ thuật số.
Mặc dù nhìn bề ngoài, các tuyên bố này chỉ đơn giản là sự nhắc lại quan điểm nghi ngại của Trung Quốc đối với tiền kỹ thuật số nói chung. Tuy nhiên, chúng cũng gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ không sớm nới lỏng sự kiểm soát trên thị trường tiền kỹ thuật số, đặc biệt là khi nước này đang phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số để duy trì giám sát chặt chẽ đối với dòng tiền.
Hôm 20-5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn mà tiền kỹ thuật số gây ra cho hệ thống tài chính. Ông Powell cũng cho biết ngân hàng trung ương nước này sẽ xuất bản một báo cáo trong mùa hè tới về những tác động tiềm năng từ việc Chính phủ Mỹ phát triển một loại tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Bộ Tài chính Mỹ cũng đang chú ý tới không gian tiền kỹ thuật số khi cho biết bất kỳ giao dịch chuyển tiền kỹ thuật số nào có giá trị từ 10.000 đô la trở lên đều phải được báo cáo cho Sở Thuế vụ. Thông báo của Bộ trên nêu rõ các đồng tiền kỹ thuật số có thể tạo điều kiện cho nhiều hoạt động bất hợp pháp trên diện rộng, bao gồm cả trốn thuế.
Những lo ngại về thái độ cứng rắn này tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến giá tiền kỹ thuật số. Tính đến sáng ngày 24-5, giá bitcoin đã giảm gần 8% so với 24 giờ trước đó, còn gần 34.700 đô la. Mức giảm khoảng 10% cũng được ghi nhận ở hầu hết các đồng tiền kỹ thuật số đình đám khác, như Ethereum, Dogecoin, Internet Computer...
Các nhà đầu tư tổ chức dè dặt
Những biến động mạnh của giá bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác đã làm gia tăng thái độ e ngại từ các công ty quản lý quỹ về tương lai của tiền kỹ thuật số với tư cách là một loại tài sản. UBS Wealth Management, Pimco, T Rowe Price và Glenmede Investment Management là những quỹ đầu tư đã bày tỏ sự dè dặt trong những ngày gần đây về tiềm năng đầu tư tiền kỹ thuật số.
Ông Jason Pride, Giám đốc đầu tư tại Glenmede cho biết: “Lập trường của chúng tôi với khách hàng là hãy tránh xa tiền kỹ thuật số. Tôi không nghĩ rằng Fed và các cơ quan quản lý khác là người ủng hộ cấu trúc thị trường hiện tại cho tiền kỹ thuật số”.
Chia sẻ với Financial Times, ông Rob Sharps, Chủ tịch và người đứng đầu bộ phận đầu tư tại T Rowe Price nhận định: “Tiền kỹ thuật số có tác động trên các thị trường vốn và chúng tôi là chuyên gia về thị trường vốn. Các tài sản ủy thác mà chúng tôi quản lý cho khách hàng không phù hợp lắm để đầu tư vào tiền kỹ thuật số và chúng tôi nhận thấy mức độ đầu cơ cao trong kênh đầu tư này”.
Trước đợt biến động vừa qua, trên thực tế, bitcoin đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư và giao dịch trong các hợp đồng tương lai có tính thanh khoản cao hơn. Giới chức Mỹ cũng đang xem xét liệu có nên chấp thuận các quỹ giao dịch trao đổi tiền kỹ thuật số hay không.
Tuy nhiên, các nhà quản lý tài sản cho biết họ đang gặp khó khăn trước các dấu hiệu cho thấy tiền kỹ thuật số không đáp ứng được kỳ vọng rằng chúng sẽ ít biến động hơn theo thời gian hoặc cung cấp cho các nhà đầu tư các biện pháp phòng ngừa rủi ro trước lạm phát hay sự hỗn loạn trên thị trường.
“Sự biến động của tiền kỹ thuật số cao đến mức bất thường và chúng ta thường thấy rằng, khi cổ phiếu bị bán tháo, bitcoin cũng vậy. Điều đó có nghĩa là nó không phải là một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư tốt”, chiến lược gia Pride nhận định.
Đợt sát hạch đối với giới đầu tư
Sự tăng trưởng bùng nổ của các tài sản kỹ thuật số trong năm qua đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm các kênh tạo lợi nhuận nhanh chóng. Theo Reuters, giá bitcoin đã tăng 345% so với năm ngoái, Ether tăng 1.219% và Dogecoin vọt lên tới 15.480%. Sàn Coinbase cho biết hơn 56 triệu người dùng đã giao dịch lượng tiền kỹ thuật số trị giá 335 tỉ đô la trong quí một năm nay. Trong đó, 120 tỉ đô la là giao dịch của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trong bối cảnh đó, có thể coi những biến động mạnh trong tuần qua là một đợt “sát hạch” đối với những người ủng hộ tiền kỹ thuật số. Thống kê của Vanda Research cho thấy dòng tiền vay chảy vào bitcoin và Ether đã giảm mạnh. Điều này phần nào cho thấy nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu cảm thấy sợ hãi.
Nếu nhìn lại quá khứ, thị trường tiền kỹ thuật số cũng từng chứng kiến những biến động dữ dội. Giá bitcoin đã lao dốc 94% năm 2011 và 82% trong giai đoạn cuối năm 2017 đến cuối năm 2018. Do đó, bất chấp đà giảm mạnh mới đây, nhiều nhà đầu tư vẫn có xu hướng nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn: vào đầu năm 2020, bitcoin chỉ được giao dịch quanh mức 7.000 đô la, đồng nghĩa là nó vẫn tăng hơn 400% trong khoảng thời gian từ đó tới nay ngay cả khi sụp đổ trong tuần qua.
Ông William Quigley, Giám đốc điều hành tại một quỹ đầu tư tập trung vào tiền kỹ thuật số, cho biết hầu như mọi người đều có xu hướng tập trung vào từng ngày, từng tuần giao dịch. Nhưng đó không phải là cách nhà đầu tư hoạt động trên thị trường tiền kỹ thuật số, thậm chí là thị trường chứng khoán.
“Đầu tư vào tiền kỹ thuật số không dành cho những kẻ yếu tim. Đối với tôi, đây là khoản đầu tư dài hạn và nghiêm túc”, Bettencourt - nhiếp ảnh gia 32 tuổi, sống ở Toronto (Canada) - khẳng định với Reuters. Anh mua bitcoin và Ether cách đây một năm rưỡi, ngay cả khi chứng kiến giá trị tiền kỹ thuật số mình nắm giữ sụt giảm nghiêm trọng, nhà đầu tư này vẫn không hề hoảng sợ và quyết định tiếp tục mua vào.
“Trong giới đầu tư tiền kỹ thuật số, khi thị trường lao dốc, mọi người nói rằng nó sẽ thải loại những kẻ yếu ớt”, Ethan Lou - tác giả cuốn Once a bitcoin Miner: Scandal and Turmoil in the Cryptocurrency Wild West (Thợ đào bitcoin một thời: Bê bối và sóng gió trong miền Viễn Tây hoang dã của tiền kỹ thuật số) - khẳng định.
Cũng với quan điểm trên, nhà đầu tư Lily Francus quyết tâm tận dụng sự biến động của thị trường. Cô gái 25 tuổi ở San Diego (Mỹ) mua tiền kỹ thuật số hồi năm 2017 và kịp bán ra trước khi thị trường lao dốc. Tháng trước, cô tiếp tục đầu tư 1% tổng tài sản vào nhiều loại tiền kỹ thuật số khác nhau.
Cô cho biết đã bán hết Ether và bitcoin sau khi CEO Tesla Elon Musk xuất hiện trong chương trình Saturday Night Live hôm 8-5, sau đó mua lại 40% lượng tiền kỹ thuật số đã bán với giá rẻ hơn. “Khi bạn thấy nhiều người lao vào thị trường với tâm lý sợ bị bỏ lỡ cơ hội thì đó là thời điểm phù hợp để rút ra”, Francus chia sẻ.
Theo ông Vitalik Buterin, nhà đồng sáng tạo đồng tiền kỹ thuật số Ethereum, những gì đang diễn ra có thể coi là một “bong bóng” tài chính khác. Trả lời phỏng vấn kênh CNN Business hồi tuần trước, ông Buterin khẳng định, không ngạc nhiên về đợt lao dốc vừa qua vì ông đã trải qua những diễn biến tương tự trước đó.
Vị tỉ phú công nghệ 27 tuổi cho biết ông tin rằng thị trường tiền kỹ thuật số đang ở trong thời kỳ bong bóng, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng rất khó để dự đoán khi nào thì bong bóng sẽ vỡ. “Cũng có thể bong bóng đã vỡ và thời kỳ đó qua rồi, hoặc còn vài tháng nữa mới xong”, Buterin chia sẻ.
Cũng theo ông Buterin, thị trường đã chứng kiến ít nhất ba bong bóng tiền kỹ thuật số lớn cho đến nay. Trong hầu hết trường hợp, lý do các bong bóng vỡ là vì một số sự kiện làm rõ ràng một điều rằng công nghệ để tối ưu hóa việc sử dụng tiền kỹ thuật số vẫn chưa xuất hiện.
Bitcoin có thể trở thành “vàng kỹ thuật số”
Khi bàn về triển vọng của tiền kỹ thuật số, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho biết tiền kỹ thuật số có thể vẫn là một phần của thị trường toàn cầu như một loại “vàng kỹ thuật số”, ngay cả khi tầm quan trọng của chúng trong các nền kinh tế sẽ vẫn còn hạn chế.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Lawrence Summers nhận định tiền kỹ thuật số có thể trở thành giải pháp thay thế vàng, cho những người tìm kiếm loại tài sản “độc lập, tách biệt khỏi hoạt động hàng ngày của các chính phủ”.
“Nếu tổng giá trị vốn hóa của tiền kỹ thuật số có thể tăng lên tương đương một phần ba tổng giá trị của thị trường vàng, sự đón nhận sẽ cao hơn đáng kể so với hiện nay”, ông Summers dự đoán đó là dấu hiệu cho thấy các loại tài sản kỹ thuật số này sẽ trở thành một phần của hệ thống tài chính trong tương lai.
Trước đó hồi đầu tháng này, ông Yassine Elmandjra, nhà phân tích thị trường tiền kỹ thuật số tại Ark Invest, cũng cho rằng nếu vàng được giả định có tổng giá trị vốn hóa thị trường khoảng 10.000 tỉ đô la, sẽ “không có gì khó hiểu nếu bitcoin bắt kịp vàng trong vòng năm năm tới”. Với việc giá trị vốn hóa thị trường của bitcoin hiện vào khoảng 700 tỉ đô la, điều này cũng đồng nghĩa với việc giá của đồng tiền này có thể sẽ tăng hơn 14 lần trong năm năm tới.
Tuy nhiên, ông Summers cũng nhận xét tiền kỹ thuật số sẽ chưa đóng góp nhiều cho nền kinh tế tổng thể, và ít có khả năng trở thành phương tiện thanh toán, trao đổi chính.
Đồng tình với nhận xét của ông Summers, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, Paul Krugman cũng nghi ngờ giá trị của tiền kỹ thuật số như một phương tiện trao đổi hoặc sức mua ổn định, dù đồng ý rằng một số đặc điểm của tiền kỹ thuật số có thể giúp nó tồn tại như một giải pháp thay thế cho vàng.
Nguồn: Reuters, Bloomberg, CNBC, CNN Business, Financial Times
Xem thêm: lmth.os-neit-iod-ohc-oan-ial-gnout-cod-oal-el-naut-uas/086613/nv.semitnogiaseht.www