117 nhân viên của Bệnh viện Houston Methodist bị bắt tiêm vắc xin - Ảnh: Bloomberg
Theo báo Washington Post ngày 29-5, hơn 100 nhân viên của Bệnh viện Houston Methodist tuyên bố trong đơn kiện khẳng định việc bệnh viện yêu cầu nhân viên tiêm phòng COVID-19 bắt buộc là vi phạm Bộ luật Nuremberg, được thông qua sau Chiến tranh thế giới thứ II, có nội dung buộc các nhà nghiên cứu phải có sự đồng ý tự nguyện tham gia của tình nguyện viên.
Nhóm nhân viên này cho biết bệnh viện cho họ sự lựa chọn hoặc tiêm vắc xin, hoặc thôi việc, và điều này vi phạm luật của bang Texas. Họ yêu cầu tòa cấm Bệnh viện Houston Medical buộc thôi việc các nhân viên không tiêm vắc xin.
Trước đó một ngày, Ủy ban cơ hội việc làm bình đẳng (EEOC) của Mỹ cho biết các công ty có quyền yêu cầu nhân viên phải tiêm vắc xin COVID-19, tuy nhiên thực tế cho thấy đại đa số cơ quan, đơn vị không muốn buộc người lao động phải tiêm phòng.
Khảo sát của công ty luật Fisher Phillips ở Mỹ với các nhà quản lý đầu năm nay cho thấy chỉ 9% trong số hơn 700 công ty được khảo sát cho biết họ đang cân nhắc việc bắt buộc sử dụng vắc xin.
Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở Mỹ bị chậm lại từ giữa tháng 4 năm nay, khiến một số điểm tiêm chủng phải đóng cửa.
Các chuyên gia y tế cộng đồng ở Mỹ đã thử nhiều chiến lược mới để thuyết phục người dân đi tiêm vắc xin, như miễn phí bia, đồ uống, bánh ngọt, vé xem bóng rổ và thậm chí còn có cơ hội tham gia quay xổ số với giải thưởng lên tới hàng triệu USD.
Mới đây, tại bang Florida, người hâm mộ các nhóm nhạc Teenage BottleRocket, MakeWar và Rutterkin có thể tham gia đại hội nhạc rock ngày 26-6 với giá vé chỉ 18 USD nếu họ cung cấp bằng chứng đã tiêm vắc xin COVID-19 đủ liều. Giá vé gốc là 999,99 USD.
TTO - 'Tôi không thể tin được điều này!' - bà của nữ kỹ sư Abbigail Bugenske ngạc nhiên khi hay tin cháu gái trúng giải xổ số trị giá 1 triệu USD của bang Ohio sau khi tiêm vắc xin. Còn một người khác 14 tuổi giành được học bổng.