Ngày 21-5 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã đình chỉ bị can đối với ông Vũ Cao Nguyên (31 tuổi) và ông Đỗ Văn Tượng (45 tuổi) do hành vi của hai ông không cấu thành tội phạm. Vụ án khá ly kỳ vì trước đó cơ quan điều tra (CQĐT) đã từng nhận định hai công dân không phạm tội nhưng sau đó lại khởi tố, rồi đình chỉ trong quá trình điều tra lại.
Liên quan đến một nữ nhân viên quán karaoke
Theo nội dung vụ án, chị D. nợ 6,8 triệu đồng và làm nhân viên cho quán karaoke của vợ chồng Huỳnh Thị Diễm Hồng và Nguyễn Tấn Đạt. Sáng 26-11-2018, vợ chồng Hồng rủ hai người đến đưa chị D. lên ô tô, chở về một khách sạn ở TP Quy Nhơn (Bình Định). Nhóm này giữ chị D. lại và đòi nợ.
CQĐT đình chỉ đối với ông Nguyên (trái) và ông Tượng vì không cấu thành
tội phạm. Ảnh: LSCC
Do chị D. không có tiền nên vợ chồng Hồng chở chị đến quán karaoke của ông Tượng để giao cho quản lý quán là ông Nguyên. Theo sự chỉ đạo của ông Tượng, ông Nguyên đưa cho Hồng và Đạt 20 triệu đồng. Sau đó, chị D. ở lại quán karaoke này.
Ngày 29-4-2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Quy Nhơn kết luận điều tra vụ án mua bán người và bắt giữ người trái pháp luật. Thời điểm này, ông Tượng và ông Nguyên chưa bị khởi tố.
Theo CQĐT, hành vi này không thuộc các trường hợp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Ông Tượng và ông Nguyên không có các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác nên hành vi của họ không nguy hiểm cho xã hội, không cấu thành tội mua bán người.
CQĐT thừa nhận không có tội
Tuy nhiên, sau đó CQĐT lại khởi tố bị can đối với ông Tượng và ông Nguyên về tội mua bán người. Theo CQĐT, hai người này biết rõ chị D. đang lệ thuộc vào vợ chồng Hồng nhưng vẫn tiếp nhận chị D., đưa chị D. 20 triệu đồng để trả nợ cho Hồng và Đạt.
Chị D. ở lại làm cho quán karaoke của Tượng do Nguyên quản lý lấy tiền trả nợ dần. Hành vi của Tượng và Nguyên nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền tự do thân thể của người khác, đủ yếu tố cấu thành tội mua bán người.
Ông Tượng và ông Nguyên cùng bị truy tố tội mua bán người, Hồng và Đạt bị truy tố về hai tội là mua bán người và tội bắt giữ người trái pháp luật. Hai người còn lại trong vụ án cùng bị truy tố về tội bắt giữ người trái pháp luật.
Ngày 26-3, TAND tỉnh Bình Định đưa sáu bị cáo ra xét xử. Trong đó, ông Tượng, ông Nguyên, Hồng và Đạt kêu oan về tội mua bán người.
Đại diện VKS đề nghị phạt ông Tượng 12,5-13,5 năm tù, ông Nguyên 12-13 năm tù, Hồng từ ba năm chín tháng đến năm năm ba tháng tù, Đạt 6-8 năm tù, hai bị cáo còn lại mỗi người 9-15 tháng tù.
Trong khi đó, các luật sư đề nghị tuyên bốn bị cáo không phạm tội mua bán người.
Sau khi kết thúc phần tranh luận, tòa đã trả hồ sơ vụ án để làm rõ một số vấn đề. Sau gần hai tháng điều tra bổ sung, ngày 21-5 vừa qua, CQĐT thừa nhận đã làm oan đối với ông Tượng và ông Nguyên.
Hai người bị oan vẫn chưa về nhà sau gần 10 ngày được đình chỉ Chiều 30-5, trao đổi với phóng viên Pháp Luật TP.HCM, mẹ của Vũ Cao Nguyên cho biết con bà bị khởi tố và bắt tạm giam đến nay hơn 10 tháng. Công an đã đình chỉ gần 10 ngày rồi nhưng đến chiều qua Nguyên vẫn chưa về đến nhà. Mẹ của Nguyên cho biết bà rất mong được gặp lại con. Do bà không am hiểu quy định pháp luật nên không biết gì về việc bồi thường oan sai. Đợi khi con bà ra trại, bà sẽ hỏi và nhờ luật sư giúp con bà đòi lại danh dự. Còn theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, bào chữa cho Nguyên thì cả Nguyên và ông Tượng vẫn đang bị tạm giam. Tại phiên tòa, luật sư Hoan đã đưa ra lập luận để chứng minh rằng những hành vi của Nguyên cho thấy Nguyên chỉ giúp người chứ không phải mua bán người. Bởi lẽ, bị hại khẳng định mình không bị mất tự do vì vẫn đi ăn sáng với mấy người ở chung phòng, sở dĩ không bỏ đi vì còn đang mượn tiền. Khi tiếp nhận chị D., Nguyên đã cho chị làm nhân viên của quán karaoke do mình quản lý, chứ không có những hành vi trái pháp luật như chuyển chị này cho người nào khác để lấy tiền, lợi ích vật chất, hay bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động... |