Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ bị cáo buộc nghe lén, đọc trộm tin nhắn của các lãnh đạo châu Âu - Ảnh: REUTERS
Đài phát thanh công cộng Đan Mạch (DR) cho biết Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe lén các đường cáp internet của Đan Mạch để theo dõi các chính trị gia và quan chức cấp cao hàng đầu ở Đức, Thụy Điển, Na Uy và Pháp.
NSA lợi dụng quan hệ hợp tác về giám sát với đơn vị tình báo quân sự FE của Đan Mạch để làm điều này.
Hiện Bộ Quốc phòng Đan Mạch chưa phản hồi yêu cầu bình luận về cáo buộc động trời này từ truyền thông châu Âu.
Theo Đài DR, bộ trưởng quốc phòng Đan Mạch là bà Trine Bramsen đã được thông báo về hoạt động gián điệp trên vào tháng 8-2020. Bà khẳng định "việc nghe lén có hệ thống các đồng minh thân cận là không thể chấp nhận được".
Với những thông tin ban đầu do truyền thông châu Âu đưa ra hiện nay, chưa rõ liệu Đan Mạch có cho phép Mỹ sử dụng hệ thống giám sát của mình để theo dõi các nước láng giềng hay không.
Đài DR cho biết đã phối hợp với đài truyền hình Thụy Điển SVT, Đài phát thanh và truyền hình NRK của Na Uy, ba đơn vị báo đài của Đức là NDR, WDR và báo Suddeutsche, và báo Le Monde của Pháp để điều tra.
Theo DR, Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngoại trưởng lúc đó là Frank-Walter Steinmeier và lãnh đạo phe đối lập lúc đó là Peer Steinbruck là vài người trong số những nhân vật cấp cao mà NSA đã theo dõi.
NSA có thể tiếp cận các tin nhắn văn bản, các cuộc điện thoại, truy cập internet bao gồm các từ khóa tìm kiếm, nội dung chat và dịch vụ nhắn tin.
Thông tin về hoạt động gián điệp này đã được trình bày chi tiết trong báo cáo bí mật của đơn vị tình báo quân sự FE, Đan Mạch theo hồ sơ có tên "Operation Dunhammer" và được báo cáo cho lãnh đạo của FE vào tháng 5-2015.
Đài DR khẳng định thông tin của họ đến từ 9 nguồn khác nhau, là những người có quyền truy cập vào thông tin mật của FE và những nội dung này đã được một số nguồn xác nhận độc lập.
Cả FE và giám đốc của nó vào thời điểm đó, Lars Findsen, đều không bình luận gì về thông tin mà DR tiết lộ.
TTO - Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 11-9 (giờ địa phương) khẳng định một 'gián điệp Mỹ' đã bị bắt khi đang do thám tại khu phức hợp lọc dầu lớn nhất nước.