Tiêm vắc xin AstraZeneca tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Hưng nói: Quỹ Vắc xin phòng dịch COVID-19 ra đời là rất cần thiết. Mục đích là để huy động, quản lý các nguồn lực xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ mua vắc xin tiêm chủng trên diện rộng cho toàn dân.
Huy động thêm các nguồn lực
Theo ông Hưng, trách nhiệm của ngân sách luôn luôn phải đảm bảo nhiệm vụ chi cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, chủ trương chung của Chính phủ là bên cạnh nguồn ngân sách là chủ yếu thì cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với Nhà nước mua đủ số lượng vắc xin tiêm kịp thời cho người dân.
Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến chúng ta cần mua khoảng 150 triệu liều vắc xin để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân. Tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng.
Đây là số tiền khá lớn. Bộ Tài chính dự kiến ngân sách trung ương sẽ chi khoảng 16.000 tỉ đồng, còn ngân sách địa phương và các khoản đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân là khoảng 9.200 tỉ đồng.
* Nguồn đóng góp vào quỹ là tự nguyện?
- Việc đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 là trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện của các tổ chức, cá nhân. Không có mức đóng góp tối thiểu cũng như mức đóng góp tối đa. Và với mỗi đồng đóng góp dù là nhỏ nhất chúng tôi cũng đều rất trân trọng và quản lý công khai, minh bạch.
Danh sách cá nhân, tổ chức tài trợ, hỗ trợ cho quỹ sẽ được Bộ Tài chính công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ để người dân, Mặt trận Tổ quốc VN theo dõi, giám sát. Đặc biệt, theo quy định, đối với khoản chi ủng hộ cho quỹ này, doanh nghiệp được tính vào chi phí trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế cho doanh nghiệp.
* Để kịp thời có đủ nguồn mua vắc xin tiêm cho toàn dân, các địa phương có phải chuyển một phần tiền tiếp nhận ủng hộ về cho quỹ hay không?
- Tại nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn đã và đang hỗ trợ rất tích cực về kinh phí, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch COVID-19 cho chính quyền địa phương. Trường hợp khoản tài trợ được người dân nêu rõ là ủng hộ cho quỹ để mua vắc xin thì địa phương phải có trách nhiệm chuyển kịp thời về quỹ. Bởi nguồn tiền đóng góp cho quỹ là tự nguyện với mục đích chỉ là để mua vắc xin.
Tiêm vắc xin lần lượt theo nhóm ưu tiên
* Trường hợp khoản hỗ trợ, tài trợ thiện nguyện cho quỹ không đủ số tiền cần mua vắc xin thì sao?
- Đương nhiên lúc đó ngân sách trung ương sẽ phải đảm bảo. Bộ Tài chính phải cân đối nguồn tiền. Bên cạnh nguồn tài trợ, đóng góp thiện nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, ngân sách sẽ phải lo đủ nguồn tiền kịp thời để mua vắc xin phòng dịch COVID-19 tiêm cho toàn dân, với tinh thần "Chống dịch như chống giặc".
* Nếu các doanh nghiệp tham gia đóng góp vào quỹ thì người lao động trong trong doanh nghiệp đó có thuộc đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 không, thưa ông?
- Để kịp thời mua và tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 cho toàn dân phòng đại dịch này, hiện tại Chính phủ và Thủ tướng giao Bộ Y tế làm đầu mối. Còn Bộ Tài chính có nhiệm vụ giữ tiền của quỹ.
Về tiêm vắc xin, Bộ Y tế cũng được giao xác định các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm trước tiên gồm lực lượng tuyến đầu chống dịch là bác sĩ, nhân viên y tế; lực lượng quân đội; công an...
Sau khi hoàn thành tiêm cho các nhóm đối tượng ưu tiên, chúng ta có lượng vắc xin đủ lớn thì Bộ Y tế sẽ đề xuất mở rộng các nhóm đối tượng được tiêm tiếp theo. Trong đó, tôi cho rằng người lao động ở các khu công nghiệp tập trung cũng nên thuộc nhóm được ưu tiên được tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết đã có một số đoàn công tác của Bộ Y tế chuẩn bị đi đàm phán mua vắc xin, trong đó có đi Mỹ. Ngoài ra, một đoàn cán bộ khác sẽ đi Nhật để đàm phán chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mà phía Nhật cũng đang thử nghiệm giai đoạn 2.
Bên cạnh đó, cuối tuần trước Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc với các hiệp hội, đại sứ quán nước ngoài, đề xuất cơ chế nếu các hiệp hội có nguồn vắc xin, Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện cấp phép nhập khẩu nhanh.
Các hiệp hội cho biết cũng sẵn sàng tham gia để chia sẻ chi phí vắc xin với Chính phủ và người dân Việt Nam. "Về cơ bản đây cũng là cơ chế huy động theo hình thức xã hội hoá vắc xin, Bộ Y tế chỉ lo về mặt kỹ thuật, các hiệp hội, doanh nghiệp tìm nguồn vắc xin đủ các điều kiện về chất lượng.
Cụ thể, việc nhập khẩu phải thông qua một công ty nhập khẩu có pháp nhân và chức năng nhập khẩu vắc xin, được nhà sản xuất bảo lãnh lô vắc xin đó, có hồ sơ chất lượng và hồ sơ lâm sàng của sản phẩm. Nếu đủ các điều kiện này, việc nhập khẩu sẽ được tiến hành nhanh chóng" - một đại diện Bộ Y tế cho biết.
LAN ANH
TTO - Phải vận dụng mọi biện pháp để tiếp cận, huy động nguồn lực hợp pháp mua vắc xin. Người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức và địa phương có thể đóng góp ý kiến, phương pháp, tiền của và phát huy các mối quan hệ để mua vắc xin.