Mang thai hộ hay còn gọi là đẻ thuê vốn là điều chẳng có gì mới lạ với nhân loại. Dù nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm đẻ thuê do ảnh hưởng đến trật tự sinh sản cùng nhiều vấn đề đạo đức xã hội nhưng tệ nạn này lại vô cùng sôi động trên thị trường chợ đen. Thậm chí tại nhiều quốc gia, chúng còn được hợp pháp hoá.
Với công nghệ ngày càng phát triển và xu hướng hưởng thụ cuộc sống, kết hôn sinh con muộn đã thúc đẩy nhu cầu đẻ thuê tại các nước Phương Tây cũng như giới nhà giàu. Trong vòng 20 năm qua, đẻ thuê đang ngày càng bùng nổ với sự gia tăng của giới nhà giàu, vốn thích hưởng thụ cuộc sống nhưng vẫn muốn có nhiều con cháu.
Mặc dù chưa có bất kỳ một thống kê nào có thể thực hiện trên thị trường đẻ thuê nhưng theo một số ước tính, tổng giá trị thị trường này có thể vào khoảng 6 tỷ USD. Tại Anh, nơi không cấm đẻ thuê, số cặp cha mẹ đề nghị được sử dụng dịch vụ này đã tăng gấp 3 lần trong khoảng 2011-2018 và con số thực sự cao hơn rất nhiều trên thị trường chợ đen.
Theo lý thuyết, dịch vụ đẻ thuê có ích cho những cặp vợ chồng khó mang thai hoặc có vấn đề về sức khoẻ. Thế nhưng với nhu cầu thích hưởng thụ nhưng vẫn muốn con cháu đầy nhà của giới đại gia ngày một tăng, thị trường chợ đen mang thai hộ đang bùng nổ với vô số các hệ lụy đi kèm về đạo đức xã hội cũng như an toàn sức khỏe cho các bà mẹ đẻ thuê.
Du lịch đẻ thuê
Câu chuyện sử dụng những người phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển làm những bà mẹ đẻ thuê không có gì hiếm. Thậm chí tại nhiều nước bị cấm đẻ thuê, việc giới nhà giàu chi tiền cho các cô gái mang thai rồi sang các nước hợp pháp hóa dịch vụ này cũng chẳng có gì lạ. Câu chuyện diễn viên Trung Quốc Trịnh Sảng là một ví dụ điển hình.
Thế nhưng nhắc đến thị trường chợ đen mang thai hộ, Ukraina và Ấn Độ là 2 khu vực được nhắc tới nhiều nhất. Tại Ukraine, bình quân mỗi bà mẹ đẻ thuê sẽ nhận được 20.000 USD, cao gấp 8 lần mức thu nhập trung bình cả năm tại đây.
Trong khi đó ở Ấn Độ, bình quân mỗi phụ nữ mang thai hộ kiếm được khoảng 5.628-16.885 USD cho mỗi lần đẻ tùy vào loại bệnh viện và nơi thực hiện dịch vụ. Tuy nhiên số tiền này thường bị ăn chặn hoặc phải chia cho các bên môi giới.
Tại một số nước Phương Tây như Đức và Pháp, chính phủ nghiêm cấm việc đẻ thuê khi coi rằng đây là hành vi vi phạm phẩm giá đạo đức. Thế nhưng ở một số khu vực như bang California-Mỹ, Nga, Ukraine hay Ấn Độ, đẻ thuê lại là một ngành kinh doanh béo bở và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng cho những bà mẹ muốn mang thai hộ cho giới đại gia.
Với Ukraine, thị trường đẻ thuê bắt đầu manh nha từ năm 2014 khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng và thu nhập bình quân đầu người giảm xuống chỉ còn 237 Euro/tháng, không đủ cho sinh hoạt phí. Tại thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài tiến vào mua lại nhiều bệnh viện và ngành đẻ thuê chính thức bùng nổ từ năm 2015.
Sau khi Thái Lan và Ấn Độ mạnh tay siết chặt đẻ thuê, thị trường dịch chuyển dần về Ukraine và California. Trong khi nhiều phụ nữ Ukraine chấp nhận mang thai hộ để mưu sinh thì nhiều bà mẹ được đại gia bao nuôi lại chuộng California-Mỹ để lâm bồn do chất lượng dịch vụ tại đây cao cấp hơn.
Mặc dù chấp nhận đẻ thuê để mưu sinh nhưng thị trường này lại vô cùng rủi ro. Áp lực mang thai hộ khiến nhiều bà mẹ chấp nhận tiêm hormone kích thích cùng nhiều quy trình để tăng khả năng sinh cho những yêu cầu như đẻ song sinh. Một số trường hợp không chịu từ bỏ đứa con của mình dù phía người mua đã chi trả các khoản phí.
Bình quân mỗi năm, Ukraine tiếp nhận khoảng 2.000-2.500 hợp đồng đẻ thuê với tổng chi phí vào khoảng 40.000-50.000 Euro. Tại Ấn Độ, con số này là vào khoảng 3.200 ca trước khi chính phủ ra lệnh cấm mảng này.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị