Gần trưa nhưng người đàn ông khuyết tật vẫn còn nhiều vé số - Ảnh: MẠNH DŨNG
Thông tin những ca nhiễm mới xuất hiện hằng ngày. Quán xá đóng cửa hoặc không phục vụ tại chỗ, người dân cũng hạn chế ra đường. Lại một lần nữa, những người bán vé số dạo lại lẻ loi, ngơ ngác vì ế ẩm...
Mấy hôm nay, dân bán vé số đều bị ế dù chỉ dám lấy từ đại lý có một nửa so với trước. Ai còn sức khỏe, đi nhiều thì nhận 150 - 200 tờ. Người già yếu thì chỉ 100 tờ, thậm chí 50 - 70 tờ.
Ông Lý Văn Vinh
Lo lắng!
Đó là tâm trạng hiện giờ của bà Nguyễn Thị Bé (68 tuổi, quê Tiền Giang). Bà và đứa cháu ngoại trọ ở quận Gò Vấp, TP.HCM, cách tâm dịch ở nơi sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng vài cây số. Từ hôm nghe tin dịch giã bùng lan như "sét đánh", bà Bé nơm nớp, lo sợ mỗi khi ra đường.
"Tui không xài mạng nên không biết chỗ nào bị phong tỏa. Mỗi ngày cứ hỏi nhà kế bên coi chỗ mình có bị gì không" - bà ngập ngừng nói. Lau mồ hôi giữa cái nắng đổ lửa, bà Bé nhớ hồi TP chưa "dậy sóng" đợt dịch mới, 200 tờ vé số bán hết mỗi ngày đã giúp bữa cơm hai bà cháu có miếng thịt, con cá.
Bây giờ, 7h30 sáng, bà dặn đứa cháu ở nhà đóng cửa cẩn thận, rồi cầm xấp vé số đi rảo qua nhiều tuyến đường ở Gò Vấp. Mấy hôm nay, đường sá vắng tanh, lòng bà Bé trĩu nỗi bất an. Biết hễ cứ dịch bùng là vé số ế, bà vẫn gắng gượng lấy 100 tờ đi bán vì "ở nhà lấy gì mà ăn, rồi còn tiền trọ, điện nước".
Bữa nào may mắn bán hết, bà lời được 115.000 đồng, còn xui thì thiếu hụt đủ đường. "Mấy bữa nay xui nhiều hơn" - giọng bà trĩu nặng. Thương bà, những người cùng khu trọ tuy cũng lao đao nhưng vẫn san sẻ bọc gạo, thùng mì, mớ rau, mấy quả trứng.
Thấy bà vất vả, đứa cháu 12 tuổi hiểu chuyện đòi đếm vé số đi bán phụ ngoại. "Nó đòi đi hoài mà tui không cho, vất vả quá nên chỉ kêu nó ở nhà nấu cơm, đóng cửa nẻo cẩn thận. Để nó đi bán lỡ có gì ân hận không kịp!" - bà Bé nói, tay đấm đấm vào cái chân bị suy giãn tĩnh mạch đã nhiều năm.
Không dám ngồi lâu, bà nhanh chóng đi bán cho kịp hết. Gần 11h trưa, bà Bé chỉ bán được 9 tờ. Ổ bánh mì không mang theo từ sáng, bà đợi chút trưa xin miếng nước tương chan vào để có sức mà bán cho hết vé số.
Đồng cảnh bà Bé, ba năm bán vé số thì hết hai năm gặp dịch bệnh khiến bà Mỹ Nương (64 tuổi) nhiều lần muốn buông xuôi. "Nghĩ vậy thôi nhưng tui không cho phép mình làm vậy. Người ta sống được thì mình cũng sống được" - bà động viên mình.
Thời trẻ, bà Nương giúp việc cho người ta. Mấy năm nay sức khỏe yếu, không làm được việc nặng, bà lấy vé số đi bán tự nuôi thân. Con trai và con dâu làm công nhân ở Bình Dương bị giảm giờ làm, lại nuôi con nhỏ nên bà không muốn làm gánh nặng thêm.
Sáng sớm, bà Nương cầm xấp vé số đi xe buýt từ nhà trọ ở ngã tư Gò Dưa đến chợ Thủ Đức, dọc các tuyến đường lớn gần chợ như Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân... Bà cho biết ngày thường đã bán chậm, giờ có dịch thì "thôi đừng nhắc nữa".
Bán vé số ế ẩm, em bé này phải tranh thủ nhặt thêm giấy vụn, ve chai - Ảnh: MẠNH DŨNG
San sẻ với nhau
Bản thân bà nhiều bệnh nhưng ngày nào cũng đi bộ mấy cây số từ sáng đến chiều. "Có lần nắng quá mà tui không dám ngồi nghỉ, đang đi thì tim đập nhanh rồi té xuống. Người ta đỡ dậy mua cho tui ly trà đường uống cho khỏe rồi mua giùm 10 tờ" - bà kể.
Đếm lại xấp vé số ế ẩm, bà Nương nghèn nghẹn nói: "Chủ nhà nói tháng này giảm 300.000 đồng tiền trọ cho mấy người bán vé số như tui. Năm ngoái lúc giãn cách cũng được giảm tiền, rồi cho đồ ăn nữa.
Tháng nào khó khăn quá thì xin thiếu, cũng may người ta cho chứ không chắc ra đường ở". Chưa dứt lời, bà lại tất tả cầm xấp vé số còn dày cộm rời đi, bóng người đàn bà khắc khổ dần khuất sau dãy chợ.
Cũng vật lộn với cuộc mưu sinh nhọc nhằn trong mùa dịch, ông Minh Chiến (58 tuổi, quê Cà Mau) có vẻ ngoài già hơn nhiều so với tuổi. Ông bị tai biến khiến cánh tay trái liệt hoàn toàn, phải dùng xe lăn làm phương tiện kiếm cơm.
Ông Chiến ở trọ một mình trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), nơi ông bán vé số nhiều năm nay. Con đường rợp bóng cây xanh không còn náo nhiệt người, xe như mọi khi. Ông Chiến để xấp vé trước xe rồi chậm rãi mời người mua nhưng ít khách qua lại, thi thoảng có người thì ông chỉ nhận về cái lắc đầu.
Ngày thường, ông bán gần 200 vé nhờ phụ huynh đưa rước học sinh gần trường học ghé ủng hộ ông. Giờ học sinh được nghỉ, kể cả người đi đường cũng vắng nên ông chỉ lấy 80 - 100 tờ/ngày mà vẫn ế nhiều.
Những hôm mưa gió, dịch giã bán không hết, ông xin đại lý cho khất nợ. Năm ngoái ông cũng nợ gần triệu bạc, vừa trả xong trước tết giờ lại chuẩn bị nợ tiếp. Thi thoảng, ông được người ta cho bánh mì, hộp cơm lót dạ qua ngày. "Đời tui khổ nhiều rồi, vẫn sống được tới giờ thì có khó khăn hơn nữa mình cũng lay lắt tiếp thôi" - ông Chiến chùng giọng.
Bà Bé cầm vé số rong ruổi tìm khách trên đường vắng - Ảnh: DIỆU QUÍ
Mong thêm chính sách hỗ trợ
Đồng hồ gần điểm 16h, chị Hoàng Thị Bảy và đứa con trai 10 tuổi có tật ở chân đang cuống quýt với gần 50 tờ vé số còn ế ẩm. Khoảng 30 phút nữa, công ty sẽ xổ. Nếu không bán hết, mẹ con chị Bảy phải "ôm" cả xấp vé số 500.000 đồng. Số tiền quá lớn với cảnh nghèo.
Chúng tôi mua giúp chị Bảy 10 tờ nhưng không dám hỏi chuyện phạm vào thời gian ít ỏi còn lại, mà chỉ lẳng lặng dõi theo mẹ con chị. Vừa tất tả đi nhanh, họ vừa cố gắng mời khách, nhưng những con đường quận 6 hôm nay vắng hẳn người, xe. Đúng 16h30, chị bán thêm được 7 tờ cho hai khách. Mắt chị ngân ngấn nước nhìn 33 tờ vé số ế đã quá giờ xổ còn trên tay.
Kêu mẹ con dừng lại, chúng tôi mua giúp 15 tờ nữa. Chị nói như muốn khóc: "Ủa, anh mua chi? Vé xổ rồi". "Mua giúp chị thôi, trúng trật gì đâu" - chúng tôi nhẹ nhàng trả lời. Rời quê từ Kiên Giang lên TP mưu sinh, chị sống đơn thân để nuôi đứa con bị tật ở chân.
Hồi chưa có dịch, nếu cố gắng đi rảo ngày đêm chị có thể bán được 300 tờ hoặc hơn một chút. "Nhưng ba bốn hôm nay dịch giã lùng bùng, ế ẩm quá, người bán vé số nào cũng sợ, không dám lấy nhiều nữa. Tôi chỉ dám nhận một phần ba, 100 tờ đổ lại, bán hết kiếm được 100.000 đồng. Vậy mà vẫn ế, kiểu này chắc mẹ con phải nấu cháo thay cơm".
Đã trải qua mấy đợt dịch, nhưng đợt bùng dịch này chị Bảy và nhiều người khác thật sự lo lắng hơn. Ai may mắn có chút dành dụm thì đã xài hết từ lâu rồi, ai không có thì sa túng thiếu, nợ nần, thậm chí chẳng còn biết mượn ở đâu.
"Biết Nhà nước rất nhiều chuyện phải nặng lo cho dân, nhưng chúng tôi chỉ mong có thêm chính sách gì đó hỗ trợ người nghèo. Giá như tình cảnh này được hỗ trợ thêm một, hai tháng tiền trọ, chút tiền điện nước và bao gạo là quý lắm rồi. Khó khăn lắm chúng tôi mới phải cất lời này...".
Ông Lý Văn Vinh với hơn 10 năm bán vé số nuôi vợ bệnh cũng đau đáu thổ lộ: "Tôi hết vốn mua vé số từ đại lý để đi bán lại, nên mới phải vay nóng bà chủ dãy trọ 1 triệu đồng, lãi "ưu đãi" 4%/tháng, trả góp ngày.
Dịch bùng như thế này không biết có trả được không. Phải chi chúng tôi có được khoản vay nào đó hỗ trợ lãi suất lúc ngặt nghèo này để đỡ phải vay ngoài bị lãi cao".
TTO - Những ngày qua tỉnh Quảng Nam mưa lạnh kéo dài, nhiệt độ xuống dưới 20 độ C, nhưng những người bán vé số vẫn phải đội mưa, ngồi co ro hàng giờ trong thời tiết giá rét để mưu sinh.
Xem thêm: mth.31131211013501202-gnouhp-ohp-auig-iol-el-ial-os-ev-nab-iougn/nv.ertiout