Theo công ty chứng khoán Phú Hưng, COVID-19 đã tác động tiêu cực đến ngành bán lẻ do chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu giảm; lượt khách tới cửa hàng giảm; các cửa hàng không thiết yếu bị buộc phải đóng cửa trong thời gian phong tỏa; và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh số bán lẻ Việt Nam lần đầu ghi nhận mức tăng trưởng âm vào tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng. Việc thực thi giãn cách xã hội đã khiến ngành bán lẻ giảm 26% trong tháng 4.
Tuy nhiên, ngành bán lẻ đã lấy lại được đà tăng trưởng tích cực từ tháng 5 trở đi nhờ chi tiêu dùng mạnh mẽ sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn tại Việt Nam.
Trong 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5,059.8 nghìn tỷ đồng (+2,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ghi nhận 3,996 nghìn tỷ đồng (+6,8% so với cùng kỳ năm ngoái ) do người dân ưu tiên chi tiêu nhiều hơn nhóm sản phẩm thiết yếu, đặc biệt là nhóm thực phẩm tăng cường sức khỏe.
Xu hướng tiêu dùng mới trong đại dịch COVID-19
Người tiêu dùng thay đổi hành vi và cơ cấu tiêu dùng: (1) Hạn chế ở nơi công cộng, tần suất mua sắm tại siêu thị / trung tâm thương mại giảm nhưng quy mô giỏ hàng tăng, (2) Dịch chuyển từ mua sắm tại chợ truyền thống sang thương mại điện tử, (3) Tăng chi tiêu cho thực phẩm / sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiết yếu, giảm ngân sách cho hàng điện tử (trừ máy tính xách tay do nhu cầu học trực tuyến và làm việc từ xa).
Kênh thương mại điện tử được hưởng lợi từ nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng lên: Theo báo cáo của Nielsen, số lượng người sử dụng kênh mua sắm trực tuyến tăng 25%. Điển hình là Tiki với 4,000 đơn hàng/phút. SpeedL cũng có lượng đơn đặt hàng tăng 100-200%.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị