Trước kiến nghị của cử tri An Giang về việc sớm đầu tư các tuyến đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT khẳng định những năm qua nhiều công trình giao thông vùng này đã được đầu tư. Tuy nhiên do điều kiện tự nhiên (nhiều sông lớn, nền đất yếu...) nên thực tế cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư thấp hơn so với mức đầu tư tương ứng của các khu vực khác.
Hiện nay, Bộ GTVT đã xây dựng năm quy hoạch chuyên ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không) và đang trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Nhiều tuyến đường phía Nam kẹt xe vì đường hẹp. Ảnh: THU TRINH
Để phát huy lợi thế khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong các quy hoạch nêu trên, Bộ GTVT kiến nghị ưu tiên đầu tư các dự án trong vùng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng tỉ trọng vốn đầu tư theo dân số từ 71,55% lên 129,21% so với bình quân chung cả nước.
Cụ thể, đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng (kéo dài đến cảng Trần Đề), Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An – Cao Lãnh, Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (nâng cấp để khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc), Hà Tiên – Rạch Giá, Hồng Ngự – Trà Vinh. Đồng thời chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Đối với các tuyến đường thủy nội địa, Bộ GTVT cũng đề xuất đầu tư khu bến cảng Trần Đề – Sóc Trăng; nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam. Song song đó, nâng cao tĩnh không các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, nâng cấp ba tuyến đường thủy nội địa gồm kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền, sông Hàm Luông, Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.
Tuy nhiên, căn cứu vào nguồn vốn đầu tư trung hạn (2021-2025) vừa được Chính phủ giao là 252.694, ngày 4-5 Bộ GTVT có Văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự kiến phân bổ vốn trên. Trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến bố trí khoảng 50.690 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư cả ngành giao thông vận tải để hỗ trợ đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc trọng điểm theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Cụ thể đó là các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng (Trần Đề), Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, An Hữu - Cao Lãnh, Chơn Thành - Đức Hòa và đầu tư các dự án trọng điểm thuộc các chuyên ngành khác.
Sau khi hoàn thành các tuyến đường trên, Bộ GTVT cho rằng sẽ đáp ứng nhu cầu phương tiện trên tuyến hành lang vận tải trục ngang quan trọng của vùng, giảm tải cho tuyến quốc lộ 91 qua địa phận tỉnh An Giang đã quá tải và thường xuyên sạt lở.
“Riêng các tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Đức Hòa - Mỹ An và các đoạn còn lại của tuyến Hồng Ngự - Trà Vinh sẽ nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn sau năm 2025 khi cân đối được nguồn lực…”- Bộ GTVT cho hay.
Bộ GTVT xin 462.000 tỉ đồng, được cấp 252.694 tỉ đồng Bộ GTVT từng báo cáo Chính phủ nhu cầu ngân sách nhà nước đầu tư để đáp ứng các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng của ngành trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 462.031 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo văn bản của Thủ tướng về việc dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT được dự kiến phân bổ 252.694 tỉ đồng. Như vậy vốn trung hạn chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. |