Trao đổi với báo chí ngày 31-5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết Bộ sẽ xây dựng kho dữ liệu cung-cầu nông sản và sẽ cập nhật thường xuyên cho các hệ thống phân phối biết rằng ở tỉnh nào đang chuẩn bị thu hoạch nông sản gì, sản lượng bao nhiêu để hạn chế tình trạng phải giải cứu nông sản như hôm nay.
"Chúng ta thương cảm nhưng cần cách làm tốt hơn"
. PV: Thưa Bộ trưởng, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại Việt Nam, đặc biệt khi hiện nay nhiều loại nông sản đang trong cao điểm vụ thu hoạch. Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT đã chủ động các phương án như thế nào để giúp người nông dân tiêu thụ nông sản?
+ Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngành nông nghiệp của chúng ta hiện nay có lẽ cần phải bỏ từ "giải cứu", nghe rất thương cảm, thay vào đó chúng ta cần có những hành động cụ thể hơn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trao đổi với báo chí sáng 31-5. Ảnh: NG
Để ý những điểm tự phát của người dân để hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản vùng dịch, tôi cảm nhận được lòng thương người của bà con chúng ta rất cao độ. Nhưng khi nhìn cảnh bà con chen chúc nhau để mua, tôi thấy rằng chúng ta cần có hành động nhất quán hơn, đảm bảo cho công tác phòng chống dịch.
Thậm chí, có những trường hợp bà con mua về rồi bỏ đó vì dùng không hết, rất đáng tiếc, vì đó cũng là công sức của bà con đã sản xuất ra. Chúng ta thương cảm nhưng chúng ta cần có cách làm cho nó tốt hơn.
Không phải đến khi có dịch COVID-19 mới xảy ra hiện tượng cung vượt cầu. Để giải quyết bài toán này, Bộ NN&PTNT đã có hẳn một kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn.
Ngày mai, Bộ sẽ phối hợp với Trung ương Hội Phụ nữ, Trung ương Đoàn xây dựng những mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch một cách chính quy, thành một hệ thống từ trung ương xuống tới các địa phương, cơ sở, để vừa tiêu thụ được nông sản, vừa đảm bảo chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn trong vùng dịch.
Bộ cũng sẽ cùng với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam bàn chương trình để làm sao kết nối được cung cầu.
Tôi được biết có những lúc vì không khớp về thông tin như tình trạng hành tím Vĩnh Châu ở Sóc Trăng bị rớt giá còn 5.000-6.000 đồng/kg thì trên mạng, người ta thông tin rằng tại sao ở Đắc Lắk họ vẫn mua với giá 45.000 đồng/kg. Như vậy rõ ràng câu chuyện kết nối thị trường nội địa có vấn đề.
Những thông tin bất cân xứng, tạo ra dư thừa một cách cục bộ, chỗ cần thì không có, không vận chuyển được vì không có thông tin.
Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ hơn nữa cho những đơn vị vận tải nông sản trong nước, như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói không được ngăn sông cấm chợ, không được làm khó thêm cho các phương tiện vận chuyển, vì nông sản của chúng ta có đặc điểm là mau hư hỏng.
Còn trong dài hạn, chúng ta sẽ thiết lập kênh thông tin hai chiều. Chúng ta không đợi đến khi sản phẩm thu hoạch rồi mới cùng nông dân tiêu thụ, mà trước vụ thu hoạch 15-20 ngày, Sở NN&PTNT ở các địa phương cần chủ động thông tin về Bộ NN&PTNT để Bộ chủ động thông tin vào các hệ thống phân phối. Không để tình trạng lúa tràn đồng, xoài chín đầy cây rồi chúng ta mới đi giải cứu vì đó là nền nông nghiệp không ổn định.
Bà con trồng khoai lang ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đang lâm vào cảnh khốn khổ vì rớt giá. Ảnh: HẢI DƯƠNG - CHÂU ANH
Xây kho dữ liệu cung-cầu nông sản để tránh "giải cứu"
. Đây đã đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư ở Việt Nam, Bộ trưởng có thể chia sẻ các giải pháp căn cơ ngắn hạn và lâu dài cần tập trung vào những vấn đề gì?
+ Một là chúng ta phải có thông tin từ sản xuất tới tiêu thụ. Như tôi đã nói, không phải khi nông sản chín rộ và dư thừa thì chúng ta mới ra quân, khi đó đã trễ rồi. Mỗi Sở NN&PTNT phải xác định được trách nhiệm của mình, không chỉ là giúp cho bà con sản xuất với sản lượng nhiều mà chúng ta cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Bởi tư duy kinh tế là tư duy thị trường, nếu không kết nối được thị trường, dù thị trường trong nước hay nước ngoài thì chúng ta sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản. Để làm được điều đó, chúng ta đã và đang thực hiện chuyển đổi số để nắm bắt được thông tin thị trường; giữa hợp tác xã với các đơn vị phân phối.
Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng kho dữ liệu và sẽ cập nhật thường xuyên cho các hệ thống phân phối biết rằng ở tỉnh nào đang chuẩn bị thu hoạch nông sản gì, sản lượng bao nhiêu. Các hệ thống phân phối chủ động chuẩn bị phương tiện vận chuyển, kho bãi, giải pháp bảo quản và ký kết hợp đồng với đối tác.
Chúng ta cũng sẽ thông qua bưu điện để vận chuyển nông sản từ ruộng, vườn đến hệ thống phân phối. Tôi nghĩ rằng khi chúng ta có đầy đủ số liệu về cung và cầu, thì sẽ hạn chế được tình trạng mà chúng ta đang gặp phải như hôm nay.
. Thưa Bộ trưởng, thời điểm này TP.HCM đã thực hiện giãn cách xã hội. Đây cũng là thị trường tiêu thụ quan trọng của quả vải. Vậy Bộ NN&PTNT tính toán nhanh cho tình huống này như thế nào?
+ Chúng tôi sẽ làm việc thêm với TP.HCM về vấn đề này. Thực ra, trong những đợt dịch COVID-19 bùng phát trước đó, chúng ta đã có những hình thức vận chuyển rất sáng tạo, đó là bán thẳng tới nhà dân. Lúc đó, chúng ta làm chủ lượng cầu để đáp ứng cung, không để bà con phải chen chúc nhau mua hàng. Nhiều khi, những hình ảnh đó lại kích thích tâm lý đám đông, làm cho mất cân xứng cung cầu nông sản.
. Cảm ơn Bộ trưởng!