Giá thép tăng sốc, nhiều nguyên vật liệu khác cũng leo cao, nhiều doanh nghiệp xây dựng tính đến phương án điều khoản trượt giá trong hợp đồng, tuy nhiên, điều này cũng không mấy khả quan.
Gồng mình thi công lúc giá thép tăng cao
Từ đầu năm 2021 đến nay, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình - nhà thầu lớn trong ngành xây dựng liên tiếp nhận được dự án nhà ở trị giá nhiều nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, ở thời điểm này, họ "không vui nổi" vì giá thép và giá vật liệu xây dựng "leo thang".
Theo đó, giá thép cuộn xây dựng là 300.000 đồng/tấn, giá này chưa bao gồm VAT và áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Cùng với sắt thép, nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, ximăng, gạch đá... cũng "tát nước theo mưa" khiến giá thành xây dựng bị đẩy lên cao.
Trao đổi với Lao Động, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho biết: "Lo lắng lắm, nhưng bây giờ chúng tôi ở thế khó, không biết làm gì ngoài việc cố gắng kiểm soát rủi ro ở mức nhất có thể".
Theo ông Hải, khi thương thảo với chủ đầu tư ở những gói thầu mới, các doanh nghiệp xây dựng cũng gặp không ít khó khăn. Nếu căng thẳng quá thì công ty không nhận được thầu, người lao động không có việc làm.
"Mấy dự án gần đây, bên tôi có điều khoản trượt giá trong hợp đồng, còn những dự án cũ nhưng đang trong quá trình triển khai thì có dự án có, có dự án không.
Chúng tôi thường mua thép cho cả năm, cố định giá, nhưng khi trượt giá nhiều quá cũng khó cho chúng tôi, vì phía nhà cung cấp họ phải giữ giá. Nói chung làm ăn phải chấp nhận rủi ro. Lời lỗ do thị trường quyết. Tôi kỳ vọng giá thép sẽ sớm quay đầu giảm, bớt gánh nặng cho ngành xây dựng", ông Lê Viết Hải cho hay.
Ông Lê Viết Hải cho biết, mặc dù giá thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhưng vẫn phải đảm bảo tiến độ thi công. Cũng có một vài công trình chậm, nhưng chủ đầu tư, nhà thầu phải xử lý để đảm bảo tiến độ.
Ông Nguyễn Tùng – Ban Quản lý xây dựng Công ty AZ Thăng Long cho Lao Động biết, nếu như trước Tết Nguyên đán, giá thép phi 6 Việt Mỹ phục vụ cho công trình xây thô chỉ 3,5 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 4 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn.
“Giá thép tăng cao khiến doanh nghiệp xây dựng như chúng tôi rất “ngại” nhập thép ở thời điểm này. Tuy nhiên, khi làm công trình, chúng tôi và chủ đầu tư phải có cam kết về tiến độ, nếu chậm tiến độ thì bị phạt nặng, cho nên vẫn phải ngậm ngùi nhập thép”, ông Tùng cho hay.
Điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá
Theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định, trong tổng giá trị công trình, chi phí vật liệu đầu vào chiếm 60%, chi phí nhân công chiếm 20%. Do đó, theo Hiệp hội, đối với các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng với giá trị khoảng 10 tỉ đồng thì có thể bù lỗ lên tới vài trăm triệu đồng.
Còn đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, giá cả thị trường của các loại vật liệu tăng cao khiến cho các doanh nghiệp xây dựng thực sự gặp rất nhiều khó khăn, rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Ðại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới, trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và dự kiến trong năm 2021 sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu hơn cho sản xuất thép.
Từ đầu năm, Bộ đã chủ động dự báo tình hình cung - cầu sản phẩm thép và biến động giá cả trên thế giới và tại Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn.
Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành phối hợp Bộ Công Thương triển khai các giải pháp nhằm ổn định cung - cầu và giá thép trong năm 2021; chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.
Về dài hạn, sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Nhưng giá sản phẩm thép và nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép vẫn sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá thế giới theo cơ chế thị trường.