Chỉ có kiến thức mới đẩy lùi được bóng tối
Kinh tế Sài Gòn
(KTSG) - Khi thời gian mọi người dành cho cuộc sống trên không gian mạng tăng lên, ngay lập tức họ phải đối đầu ngày càng nhiều với các tệ nạn đã từng hiện diện trong cuộc sống thật. Từ lộ thông tin cá nhân, lừa đảo qua mạng, những lời dụ dỗ đầu tư vào các tài sản ảo, kể cả tiền mã hóa thật và tiền mã hóa dỏm, đến giả danh nhà chức trách để hù dọa người dân hòng chiếm đoạt tài sản.
Nếu trong cuộc sống thật có lừa tình thì trên không gian ảo cũng không ít trường hợp còn trắng trợn hơn đời sống thực nhiều lần. Nếu ra chợ hay cửa hàng để mua sắm, người ta có thể mua phải hàng giả, hàng nhái thì trên các chợ trực tuyến, chuyện hàng giả, hàng nhái còn phổ biến hơn gấp bội.
Con người học cách bảo vệ chính mình và gia đình trong cuộc sống thật nhờ tích lũy rất nhiều kinh nghiệm được chia sẻ từ học hành, từ bạn bè, từ sách vở và nhất là từ các thông tin do các nguồn chính thức cập nhật liên tục. Nay khi tổng thời gian của một người được chia sẻ thành hai phần: một phần cho cuộc sống thật, một phần cho không gian mạng thì việc bảo vệ các cá nhân và cả cộng đồng phải được đặt ra một cách nghiêm túc. Không thể phủ nhận một thực tế, con người ngày nay tiêu tốn khá nhiều thời gian cho cuộc sống trên mạng, có thể là để tiếp nhận tin tức cần thiết, để giao tiếp với bạn bè, để giải trí hay chỉ để tìm một góc riêng cho từng người.
Dĩ nhiên, người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc bảo vệ cuộc sống trên không gian ảo là chính từng cá nhân khi bước vào không gian này. Họ phải tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu để phòng ngừa, không bị lây nhiễm các đòn tấn công độc hại. Họ phải biết tầm quan trọng của các thông tin nhận dạng cá nhân để không dễ dãi tiết lộ chúng cho người không quen biết.
Tuy nhiên, một mình người dân không thể nào tự bảo vệ mình trước các “mafia” trên mạng, đủ dạng, đủ kiểu. Trách nhiệm này thuộc về mọi người, từ những người có tầm ảnh hưởng đến các tổ chức nghiên cứu, từ báo chí đến người làm chính sách. Lời nói trên không gian mạng của những người có tầm ảnh hưởng như các nhân vật nổi tiếng, các nhà trí thức, những chuyên gia đầu ngành là rất lớn. Bởi thế những người này càng phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, không được vô tình cổ xúy cho các điều sai trái, gián tiếp giúp sức cho các nhóm lừa đảo.
Điều đáng ngạc nhiên là các tổ chức nghiên cứu, đặc biệt là các trường đại học, rất ít thấy đưa ra các nghiên cứu mang tính hướng dẫn dư luận về các tình huống trên không gian mạng. Trong bối cảnh nhiễu thông tin về các loại tiền mã hóa, lẽ ra những nơi này phải là nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy để người dân có thể dựa vào đó mà hành xử. Nếu các viện hay trường đại học thường xuyên tổ chức các hội thảo về những vấn đề thời sự liên quan đến không gian mạng, thông tin đúng sẽ lan tỏa đẩy lùi thông tin sai lệch do kẻ lừa đảo đưa ra.
Các cơ quan nhà nước thiết nghĩ cũng phải có bộ phận nghiên cứu và kịp thời hướng dẫn dư luận bằng những chương trình truyền bá kiến thức rộng rãi, chẳng hạn về giao dịch trên mạng sao cho an toàn, thế nào là cho vay ngang hàng, thế nào là các biến tướng mới nhất của kinh doanh đa cấp trái phép. Và dĩ nhiên trường học là nơi khởi đầu rất tốt để trang bị cho các em học sinh, sinh viên kiến thức cần thiết vì chính các em là nhóm sống trên không gian mạng nhiều nhất để từ các em kiến thức, kinh nghiệm này sẽ lan tỏa đến gia đình và xã hội.
Xem thêm: lmth.iot-gnob-coud-iul-yad-iom-cuht-neik-oc-ihc/236613/nv.semitnogiaseht.www