Người dân chơi đùa cùng những con khỉ trên núi Bà Đen, Tây Ninh - Ảnh: NAM TRẦN
Bệnh đậu mùa khỉ còn mới tại nước ta, đến nay có 20 quốc gia đã ghi nhận hơn 400 trường hợp mắc bệnh.
Giám sát người về từ vùng có dịch
Theo định nghĩa của WHO, đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật, có nghĩa là bệnh có thể lây lan từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người. Thời gian ủ bệnh từ 5 - 21 ngày, thông thường từ 6 - 13 ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện các đơn vị vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với WHO, kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.
Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn, các biện pháp phòng tránh, triệu chứng lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ như Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Congo, Sierra Leone và Nam Sudan. Khi phát hiện, báo cáo ngay sở y tế để phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.
Tại TP.HCM, Sở Y tế TP giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) củng cố hệ thống giám sát tại các cửa khẩu của TP để giám sát sớm người mắc bệnh như giám sát qua máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tìm triệu chứng ở người nhập cảnh, đặc biệt là người đến từ các quốc gia đang lưu hành dịch. Đồng thời có kịch bản xử lý khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, cần sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, báo ngay về HCDC để xử lý kịp thời.
Không lây như COVID-19, nhưng cần phát hiện sớm
Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ thông thường không được coi là có tính truyền nhiễm cao. Bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc vật lý gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm để gây lây nhiễm giữa người với người. Nguy cơ đối với toàn cộng đồng là thấp.
Bác sĩ Ngô Thanh Hà, Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) cho hay đậu mùa khỉ có hai chủng, một chủng là nguồn gốc từ Congo, tỉ lệ tử vong là 10%. Còn chủng khác lưu hành ở Tây Phi, tỉ lệ tử vong chỉ có 1%. Hiện tại chủng đang lưu hành ở Anh và châu Âu là chủng ở Tây Phi.
Theo nghiên cứu trên thế giới, bệnh đậu mùa khỉ là nhóm virus tương đối đồng nhóm với đậu mùa ở người. Nghiên cứu trên thế giới, vắc xin đậu mùa tương đối có hiệu quả trên đậu mùa khỉ, đồng thời cải thiện trong điều trị.
Bác sĩ Hà thông tin, hiện tại bệnh viện đã thành lập các đơn vị tiếp nhận thông tin bệnh này. Nếu người đi từ vùng dịch tễ về, khi liên hệ bệnh viện qua đường dây nóng thì sẽ được cách ly và điều trị sớm cho người bệnh. Tốt nhất, bệnh nhân nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ cần được phát hiện sớm kịp thời cách ly. Trong trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn cũng nên đến bệnh viện để truy vết, cách ly, điều trị phòng ngừa, hỗ trợ và theo dõi người tiếp xúc gần. Phòng bệnh rất quan trọng với cộng đồng.
Một chuyên gia lĩnh vực truyền nhiễm tại TP.HCM cho biết bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện những đợt dịch cục bộ, rải rác vài vùng ngoài châu Phi từ lâu nhưng cũng tự ổn định mà không cần can thiệp nhiều. Do đó tính lây lan không thể như các loại virus hô hấp, người dân không cần quá lo lắng về loại bệnh này.
Điều quan trọng hơn hết là các cơ sở khám chữa bệnh trong nước kịp thời phát hiện triệu chứng nghi ngờ của người bệnh vì người mắc bệnh này có biểu hiện bên ngoài "rầm rộ", bệnh nhân không thể điều trị tại nhà nên phải đến bệnh viện chữa trị.
Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ
Theo WHO, triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy.
Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt. Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị.
TTO - Bà Sylvie Briand, quan chức phụ trách lĩnh vực kiểm soát nguy cơ lây nhiễm toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nói rằng ưu tiên hiện tại là ngăn chặn đậu mùa khỉ lây lan ở các nước không phổ biến bệnh này.
Xem thêm: mth.75851508010602202-oas-ar-ihk-aum-uad-hneb-augn-nagn/nv.ertiout