Ngày 1-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Vấn đề giá cả hàng hoá tăng cao thời gian qua, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu được nhiều đại biểu quan tâm, dành thời gian để thảo luận, kiến nghị các giải pháp.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM), Chính phủ cần lưu ý đến giá xăng dầu và giá lương thực. Ông cho rằng Chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Để thực hiện các mục tiêu đó, vị đại biểu là chuyên gia kinh tế kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu. Bởi đại biểu Trần Hoàng Ngân lo ngại nếu để giá xăng dầu tăng cao, sẽ xảy ra hiệu ứng "domino" với các mặt hàng khác.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị giảm một số loại thuế để "hạ nhiệt" giá xăng dầu - Ảnh: Quochoi.vn
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp; tăng cường kiểm soát giá cả hàng hoá, triển khai các chương trình bình ổn giá.
Cũng liên quan tới xăng dầu, đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) cho rằng giá mặt hàng này tăng mạnh thời gian qua đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Nữ đại biểu cũng bày tỏ lo ngại khi xăng dầu, lương thực, hàng hoá thiết yếu tăng giá là nguyên nhân chủ yếu khiến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,38% trong tháng 5.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh, báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cũng đánh giá thẳng thắn những hạn chế, tồn tại và đưa ra những giải pháp cụ thể.
Tuy nhiên, bà Tâm cho rằng, hơn 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nền kinh tế bị suy giảm, kéo theo những ảnh hưởng từ biến động trên thế giới, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu, liên tục tăng cũng đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là đối với ngư dân vươn khơi bám biển, giữ gìn bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Nhấn mạnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên bị chi phối nhiều bởi các yếu tố bên ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết khi giá cả thế giới tăng thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng ngay.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến thảo luận tại hội trường - Ảnh: Quochoi.vn
"Hiện giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo. Đến nay, việc tăng giá không chỉ dừng ở mặt hàng xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang các mặt hàng vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.
Cũng bày tỏ lo ngại khi giá xăng dầu liên tục lập "đỉnh", đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu để "hạ nhiệt" mặt hàng, giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Chiều nay 1-6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Với diễn biến giá xăng dầu trên thế giới, giá xăng trong nước dự báo tiếp tục tăng tại kỳ điều hành này, vượt mốc 31.000 đồng/lít.
Theo Bộ Công Thương, dự kiến nhu cầu xăng dầu quý II/2022 khoảng 5,2 triệu m3. Tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 khoảng 20,6 triệu m3. Dự kiến nguồn cung xăng dầu quý II/2022 đạt 6,7 triệu m3, bao gồm nguồn từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 và nguồn tồn kho từ quý I/2022 chuyển sang (1,5 triệu m3).
Nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3. Đáng chú ý, nguồn nhập khẩu nêu trên chưa tính đến việc doanh nghiệp phải thực hiện nhập khẩu tăng thêm để bù đắp việc giảm công suất của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn theo Quyết định số 242/QĐ-BCT là 800.000 m3/tháng, tương đương cả quý II là 2,4 triệu m3.
Xem thêm: mth.63924400110602202-onimod-gnu-ueih-iagn-ol-ioh-couq-ueib-iad-uad-gnax-aig-gnon/us-ioht/nv.moc.dln