Anh Nguyễn Thuận và chiếc áo của đức Từ Cung - Ảnh: THÁI LỘC
Tuyệt tác tranh thêu cung đình
Tại Huế giữa tháng 3-2022, anh bạn chơi đồ xưa ở Thành nội thật may mắn mua được tấm tranh thêu cung đình vô cùng quý giá. Đó là tấm "Long mã phù đồ" thêu hai con long mã chầu chữ "thọ" trên nền gấm đỏ, mà nài nỉ mãi tôi mới được mục sở thị. Tranh khổ lớn, chiều ngang 2m, cao 1,3m, đề chữ "Bảo Đại niên tạo" (làm thời Bảo Đại - 1926-1945). Tận mắt chứng kiến mới thấy được sự tuyệt đẹp, sang trọng, đẳng cấp cung đình của đồ vật. Hình long mã cõng bát quái thêu kim tuyến vàng, điểm xuyết một số chi tiết màu ngũ sắc đạp mây trông rất sinh động. Chữ "thọ" cách điệu khung hình tròn thêu kim tuyến vàng. Những "tay mây" (mây hóa kiểu như bàn tay) xanh, đỏ, vàng "lượn lờ" nối tiếp nhau, vây quanh đôi long mã và những ngọn lửa vàng tươi óng ánh.
Tuyệt đẹp không kém phần là phần "thủy ba" phía dưới với những lớp sóng nước được tạo bởi chỉ kim tuyến và chỉ nhiều màu, bên trên là những đám bọt nước tung tóe. Đường diềm phía trong là kỷ hà hoa văn dây và hoa mai vàng tiếp nối nhau. Còn phía ngoài cùng là dãy chữ "thọ" viên tròn... Toàn bộ bức tranh toát lên một vẻ quý phái và đẳng cấp cung đình, "rất Nguyễn" khó lẫn vào đâu được.
Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn nhận xét: "Người ta đề Bảo Đại niên tạo chứ không phải Bảo Đại năm thứ... cho nên bức tranh này chắc chắn là đồ trong Nội (hoàng cung) làm. Thể thức này thường để mừng sinh nhật thái tử. Ở đây nhiều khả năng thời vua Bảo Đại tặng Bảo Long khi được phong đông cung thái tử. Thể thức tấm tranh này là đồ ngự dụng, được bảo quản cẩn thận còn hoàn hảo đến như vậy là rất hiếm".
Nhận xét của ông Sơn khá tương đồng với xuất xứ của tấm tranh, đó là của Đoan Huy hoàng thái hậu (còn gọi là đức Từ Cung, vợ vua Khải Định, mẹ của vua Bảo Đại) bán ra ngoài. Theo tìm hiểu của một nhà sưu tầm, trước năm 1975, vị hoàng thái hậu khi còn ở nhà riêng (145 Phan Đình Phùng, TP Huế hiện nay) đã bán lô đồ vải khá lớn cho ông H.V.C., một nhà buôn cổ vật ở Huế. Một người hầu cận đức Từ Cung lúc ấy kể rằng, lô đồ lên đến mấy chục món, gồm cả sách lụa, văn bản bằng lụa, áo và những bức tranh thêu... Ông C. đem vào Sài Gòn rồi đem theo khi sang Mỹ định cư. Khoảng đầu thập niên 2000, tấm tranh nói trên và nhiều đồ vải khác được bán lại cho một nhà sưu tầm cổ vật ở Sài Gòn và đưa về nước. Sau đó một nhà sưu tầm cổ vật ở Huế mua lại, rồi nhượng lại cho anh bạn trong Thành nội. Biết rằng trong nhóm tranh thêu do đức Từ Cung bán ra kể trên, một nhà sưu tầm ở Huế cũng may mắn mua và đang giữ tấm tranh rồng năm móng, một tấm thêu long mã đề chữ Khải Định niên tạo và một số đồ vải cổ quý khác.
Xét trên nhiều phương diện, cả lý lẫn tình, thì việc bán cổ vật hoàng gia của đức Từ Cung là chuyện có thể thông cảm được.
Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn
Bức tranh “Long mã phù đồ” làm thời Bảo Đại xuất xứ từ hoàng gia nhà Nguyễn - Ảnh: THÁI LỘC
Ngày về của chiếc áo quý
Cho đến nay nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Thuận ở phố Hàng Cót, Hà Nội như còn nguyên cảm giác hồi hộp khi nhắc đến thời điểm tham gia đấu giá chiếc áo cổ quý của đức Từ Cung ở Pháp. Tương tự là cảm giác vỡ òa ở thời khắc chủ tọa gõ búa cho người đại diện của anh trúng đấu giá. Đặc biệt là thời điểm áo quý về nước, anh được tận mắt nhìn ngắm và cầm trên tay... Anh Thuận cho biết mấy năm qua, vật báu được anh bảo quản cẩn thận, đóng trong khung gỗ lồng kính và mở máy lạnh liên tục để hạn chế độ ẩm. "Từ ngày sở hữu, nhiều người hỏi mua lắm, có người ra giá rất cao nhưng tôi không bán. Tôi rất thích chiếc áo, nó quá đẹp, hoàn hảo, quý giá đặc biệt!", anh Thuận nói.
Tháng 10-2017, một nhà đấu giá ở Pháp đưa lên sàn bộ sưu tập chủ đề "Nghệ thuật của Đông Dương 1860-1945" (Indochine mythes et réalités 1860-1945) với hàng chục món đồ mỹ thuật - mỹ nghệ thuộc văn hóa Việt Nam. Hai hiện vật thuộc hàng báu vật thời Nguyễn trong số đó được anh Thuận đưa vào tầm ngắm: bộ kim khánh bằng vàng chạm cặp rồng khắc bốn chữ "Đại hạng kim khánh" (kim khánh loại lớn nhất) và "Đại chính trị gia" (nhà chính trị lớn) đựng trong một chiếc hộp bạc khắc bốn chữ "Bảo Đại niên tạo" được giới thiệu do vua Bảo Đại tặng vị Toàn quyền Đông Dương. Và chiếc áo được giới thiệu của Đoan Huy hoàng thái hậu này.
Cuộc đấu giá diễn ra hôm 23-10-2017, chiếc kim khánh được đưa ra đấu giá trước, và đã được gõ búa với giá 18.000 euro cho một nhà sưu tầm khác trong trạng thái "không kịp trở tay" của anh Thuận. Quyết tâm mua áo cho bằng được, anh đã vượt qua hàng chục người mua để thắng đấu giá với mức rất cao so với thời điểm ấy. Đến đầu tháng 11-2017, chiếc áo về tới Hà Nội.
Áo bằng đoạn vàng chính sắc, thêu "viên phụng", tức chim phượng hoàng - biểu tượng của phái nữ cao quý trong hoàng cung trong khung hình tròn và nhiều đồ án hoa văn. Phần cổ là một dải hoa lá sang trọng, tuyệt đẹp; phần cuối vạt áo trước và sau đều thêu hoa văn sóng nước... Hai chữ "vạn" và "thọ" - mang tính chúc tụng điều tốt đẹp thêu trên áo chứng tỏ chủ nhân là một bậc tôn quý trong cung...
Đương thời đức Từ Cung có đến cả chục chiếc áo tương tự: mỗi dịp trọng lễ, người ta làm áo để dâng lên bà. Về sau, khi rời khỏi chốn cung đình về ở nhà riêng, bà dần bán đồ của mình, kể cả trang phục. Cũng có rất nhiều trường hợp bà ban áo cho một số người không thân tín. Ban ở đây được hiểu theo nghĩa: người được ban tặng lại vật phẩm hoặc tiền bạc trị giá gấp nhiều lần so với vật được ban. Đó là trường hợp chiếc áo tương tự đức Từ Cung tặng bà V.X., một Việt kiều Pháp, đến đầu thập niên 1990 bán cho một nhà sưu tầm ở TP.HCM. Theo người hầu Lê Thị Dinh, từ trước năm 1975, vợ chồng bà V.X. dâng tặng cựu hoàng thái hậu rất nhiều thứ có giá trị. Đáp lại, đức Từ Cung sai bà Dinh chọn một chiếc trong số áo để ban lại cho bà X....
Riêng chiếc áo hồi hương, anh Nguyễn Thuận cho biết hồ sơ hiện vật chỉ ghi của Đoan Huy hoàng thái hậu, chứ không có thêm chi tiết về lai lịch, ngọn nguồn. Điều này, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng với màu vàng chính sắc, chiếc áo thuộc hàng thượng hạng nhất trong nữ phục cung đình triều Nguyễn. Theo phỏng đoán của ông Sơn, áo có thể theo chân những người thân tín của đức Từ Cung sang Pháp. Người đó hoàn toàn có khả năng là thứ phi Mộng Điệp, vợ cựu hoàng Bảo Đại, người thường gần gũi, chầu hầu đức Từ Cung nhiều nơi, nhất là các dịp nhang khói lễ chùa. Chiếc áo dễ là vật đức Từ Cung ban tặng rồi theo chân người con dâu yêu quý sang Pháp.
Hoàng thái hậu Từ Cung bán cổ vật
Những người thân cận Đoan Huy hoàng thái hậu cho biết bà bán rất nhiều cổ vật của hoàng gia triều Nguyễn mà bà chủ sở hữu sau khi nhà Nguyễn cáo chung. Việc bán đồ phục vụ cho rất nhiều mục đích, mà chi tiêu hằng ngày chỉ là một phần rất nhỏ. Chiếm phần quan trọng trong khoản chi của bà chính là lo 96 đợt kỵ giỗ và đản sinh (của các vua).
Nhiều lăng vua hay các kiến trúc thờ tự quan trọng xuống cấp, hội đồng dòng tộc Nguyễn Phước đều "níu áo" bà. Lần bà bán đồ nhiều nhất khoảng trước sau năm 1970 lấy tiền tu sửa khu Thái Tổ miếu - nơi thờ các chúa Nguyễn bên trái hoàng cung Huế. Ngoài ra, cựu hoàng Bảo Đại những lúc khó khăn khi lưu vong trên đất khách cũng thường liên lạc về "tâu ả" xin tiền...
TTO - Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế vừa mở cửa đón khách tham quan bộ sưu tập hiện vật cổ quý mà bảo tàng này được hiến tặng.