Gazprom hôm qua thông báo quyết định ngừng bán khí đốt cho Shell Energy Europe, do họ không có ý định thanh toán hợp đồng cung cấp khí đốt cho Đức bằng đồng ruble. Quyết định có hiệu lực từ hôm nay (1/6).
Với việc tạm ngừng này, Gazprom cho biết Shell sẽ mất 1,2 tỷ m3 khí đốt hàng năm. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong số 95 tỷ m3 khí đốt mà Đức tiêu thụ mỗi năm, theo Bộ Kinh tế Đức.
Tuy nhiên, động thái của Gazprom được cho là vẫn có khả năng làm xáo trộn ngành công nghiệp của Đức, vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Moskva. Nước này đã cố gắng giảm tỷ lệ nhập khẩu khí đốt của Nga xuống 35%, từ mức 55% trước khi khủng hoảng Ukraine nổ ra.
Người phát ngôn của chính phủ Đức cho biết đang "theo dõi tình hình rất chặt chẽ" và khẳng định an ninh nguồn cung vẫn được đảm bảo.
Thông báo của Gazprom được đưa ra chỉ một ngày sau khi hãng tuyên bố sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho công ty Ørsted (Đan Mạch) và GasTerra (Hà Lan). Vài tuần trước, tập đoàn này cũng đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan.
Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin dọa cắt khí đốt với các quốc gia "không thân thiện" từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Sau đó, Gazprom đã đưa ra cho khách hàng một giải pháp. Người mua có thể thực hiện thanh toán bằng đồng euro hoặc USD vào một tài khoản tại ngân hàng Gazprombank (Nga), sau đó số tiền này sẽ được đổi thành ruble để chuyển sang tài khoản thứ hai để thanh toán cho Nga. Tuy nhiên, nhiều công ty châu Âu, bao gồm cả Shell Energy, đã từ chối làm theo.
"Shell không đồng ý với các điều khoản thanh toán mới do Gazprom đưa ra", Phát ngôn viên của Shell xác nhận, "Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho khách hàng ở châu Âu thông qua danh mục nguồn cung đa dạng". Tương tự, GasTerra (Hà Lan) cũng cho biết trong một tuyên bố hôm 30/5 rằng họ sẽ không tuân thủ "các yêu cầu thanh toán một phía" của Gazprom.
Henning Gloystein, Giám đốc Năng lượng, Khí hậu và Tài nguyên tại Tập đoàn Eurasia, đánh giá lần cắt khí đốt gần nhất không gây ra tổn thất lớn về doanh thu cho Gazprom, do xuất khẩu sang Shell Đức chỉ chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Liên minh Châu Âu năm ngoái.
"Phần lớn các công ty năng lượng châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung của Nga đã chuyển sang cơ chế thanh toán mới của Gazprom để bảo vệ hoạt động của họ", ông cho biết.
Châu Âu đã gấp rút lấp đầy các kho khí đốt trước mùa đông để đề phòng việc Nga cắt giảm nguồn cung. Dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí Châu Âu cho thấy kho chứa khí đốt của Hà Lan hiện đã đầy khoảng 37%.
Chính phủ Hà Lan tuần trước cho biết sẽ tăng trợ cấp lên 406 triệu euro để khuyến khích các công ty lấp đầy kho Bergermeer - một trong những kho lưu trữ khí đốt mở lớn nhất châu Âu. Nước này cũng không lo ngại việc GasTerra mới bị cắt khí đốt. "Đây vẫn chưa được coi là mối đe dọa đối với nguồn cung", Người phát ngôn Bộ Kinh tế Hà Lan Pieter ten Bruggencate, cho biết.
Các kho chứa khí đốt của Đan Mạch hiện đã đầy 55% và có thể cung cấp cho tất cả các khách hàng của Đan Mạch, Thụy Điển trong 5 tháng nếu nguồn cung từ Đức bị cắt, theo Bộ trưởng Năng lượng Đan Mạch Dan Jorgensen.
Phiên An (theo CNN, Reuters)